Hiện trạng mục tiêu cụ thể của ngành nuôi biển tỉnh Ninh Thuận đã xác định đến cuối năm 2024 là phải số hóa mặt nước nuôi thủy sản chuyên canh trong phạm vi diện tích khoảng 732 ha (C1) và vùng phát triển điện gió kết hợp nuôi biển công nghệ cao với diện tích 1.295,63 ha (C2) và đến năm 2025-2030 là hoàn thành cơ sở pháp lý vùng nuôi biển chuyên canh, vùng nuôi công nghệ cao được cấp phép và quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ lồng nuôi thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang nuôi biển không thuộc vùng quy hoạch vào vùng quy hoạch nuôi biển chuyên canh.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, Đề án quản lý và phát triển vùng quy hoạch nuôi biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa mặt nước, quy hoạch lại vùng nuôi biển. Qua đó, làm cơ sở lập hồ sơ quản lý, cơ cấu lại vùng nuôi cho cộng đồng cư dân đang nuôi biển vùng ven bờ, tránh số lượng lồng/bè nuôi vượt quá sức tải môi trường và tiến tới cho thuê mặt nước vùng biển mở, thông qua giao mặt nước cho doanh nghiệp nuôi biển công nghệ cao là cơ sở để chính quyền lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư phát triển nuôi biển công nghệ cao, làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung các nội dung quản lý cụ thể, để hoàn chỉnh đề án. Cần thống nhất các hệ thống lưới nuôi, cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về các lồng nuôi trong đề án. Phân rõ từng vùng đối tượng nuôi chuyên canh, nuôi biển công nghệ cao và các loại thủy sản cụ thể đảm bảo đúng quy hoạch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hồng Nguyệt