Với mục đích hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hằng năm, Hội ND huyện Ninh Phước đã tập trung thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, quản lý hợp tác xã, tiếp cận thị trường; thành lập các tổ hội nghề nghiệp giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ, với diện tích 2.246ha; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết trong sản xuất và tiêu thụ măng tây xanh, nho, táo... Qua đó, giúp ND tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Bà Trần Thị Hồng, thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận cho biết: Năm 2021, sau khi tham gia các lớp tập huấn trồng trọt và chăn nuôi, bà đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 1,3ha đất trồng táo bao lưới và chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên mỗi năm gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ giúp gia đình bà Trần Thị Hồng, thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận đầu tư phát triển cây táo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, các cấp hội còn phối hợp nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết vốn cho hội viên. Đến nay, các cấp hội đã giải ngân trên 580 tỷ đồng, giúp cho 9.660 lượt hộ vay vốn đầu tư phát triển SXKD. Nguồn vốn hỗ trợ ND của tổ chức hội cho 152 hội viên vay trên 10,1 tỷ đồng thực hiện 30 dự án chăn nuôi và trồng trọt. Từ các nguồn vốn, nhiều hội viên đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Hội ND huyện còn đẩy mạnh phong trào “ND thi đua SXKD giỏi” nhằm giúp hội viên tích cực tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội. Hội ND huyện đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động ND thi đua SXKD, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; thành lập 31 tổ hội nghề nghiệp với 336 hội viên; duy trì 3 chi hội nghề nghiệp trong chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ đó, trong năm 2024, qua bình xét có 2.767/5.482 hộ đạt danh hiệu SXKD. Qua thực hiện phong trào “ND thi đua SXKD giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM ở địa phương. Có 92 hộ SXKD giỏi giúp đỡ cho 328 hộ hội viên, hộ nghèo và cận nghèo về vật tư, vốn, kinh nghiệm... nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Trong xây dựng nông thôn mới, Hội ND vận động hội viên đẩy mạnh phong trào ND thi đua xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã vận động hội viên huy động nguồn lực giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn như thu gom rác thải trong khu dân cư. Hưởng ứng cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp hội đã phát động phong trào quyên góp, ủng hộ người nghèo trong cán bộ, hội viên xây dựng được 2 mô hình hỗ trợ sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 30 triệu đồng; vận động xã hội hóa xây dựng 1 căn nhà đại đoàn kết cho hội viên, trị giá căn nhà 120 triệu đồng; phối hợp trao tặng 50 suất học bổng cho học sinh là con hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hội ND huyện Ninh Phước cho biết: Thời gian tới, Hội ND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho ND trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tập trung vận động ND tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tạo vùng sản xuất chuyên canh cây trồng theo hướng liên kết; xây dựng và phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ. Duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cho hội viên; phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn... Qua đó, giúp hội viên tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Tiến Mạnh