Những mô hình kinh tế cựu chiến binh

Phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Cựu chiến binh tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Thời gian qua, nhiều hội viên phát huy được tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm, sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng với nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Để phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các hội cơ sở tăng cường bám sát chủ trương, định hướng phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động HV phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với đó, mỗi HV CCB luôn tiên phong gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương trong sản xuất, kinh doanh đã tạo nên hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào. Thông qua các hoạt động sản xuất, các mô hình kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh đã thể hiện được tinh thần vượt khó, sáng tạo, nhiều CCB trở thành tấm gương sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.

Cựu chiến binh Trần Quang Thính, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: A.Thi

Đơn cử như CCB Trần Quang Thính, ở thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) là tấm gương về ý chí dám nghĩ dám làm, vượt khó vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Năm 1993, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh và gia đình rời quê hương Hà Nam vào Ninh Thuận lập nghiệp. Ban đầu anh mở một tạp hóa buôn bán giày dép nhỏ, nhờ chịu khó học hỏi và nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, anh dần mở rộng quy mô, chuyển sang làm đại lý và bỏ sỉ cho các tỉnh thành khác. Năm 2020, được hỗ trợ của Agribank Ninh Thuận, anh vay vốn đầu tư điện mặt trời công suất 500W, dự án phát huy hiệu quả và cho thu nhập trên 100 triệu/tháng. Từ việc buôn bán mở rộng kinh doanh, hiện đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động xây dựng nguồn quỹ chi hội để hỗ trợ các trường hợp khó khăn, tạo điều kiện cho HV cùng nhau phát triển kinh tế.

Một điển hình khác là CCB Nguyễn Ngọc Bình, ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Nhận thấy tiềm năng khá lớn từ cây dược liệu trên vùng đất nắng, năm 2017, anh Bình bắt đầu liên kết với các hộ dân ở địa phương để xây dựng vùng trồng dược liệu. Năm 2022, anh thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN và đầu tư nhà máy chế biến dược liệu. Cùng với việc cung cấp cây giống, quy trình chăm sóc cho hộ dân thì các sản phẩm thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu với giá cả ổn định. Bước đầu, anh đã thành công với vùng nguyên liệu gần 300ha gồm cây đinh lăng, khổ qua rừng, đàn hương. Mỗi năm, nhà máy chế biến trên 10 triệu sản phẩm như nước uống đinh lăng, trà đinh lăng, rượu đinh lăng, trà túi lọc khổ qua rừng, cao thảo dược, tinh dầu từ thảo dược... Hiện đang phân phối khắp cả nước, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công ty còn đi đầu trong thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cùng với chính quyền địa phương tham gia vận động, hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Năm 2023, Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN nằm trong 100 thương hiệu toàn quốc và tốp 10 sản phẩm tiêu biểu nhất.

Không chỉ riêng CCB Trần Quang Thính, Nguyễn Ngọc Bình, mà còn rất nhiều gương CCB khác luôn nỗ lực phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng như: CCB Pinăng Thiêng, xã Phước Bình (Bác Ái) phát triển kinh tế với mô hình trồng bưởi da xanh, chuối hữu cơ; CCB Ngô Công Sự ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) làm giàu với sản xuất tôm giống chất lượng cao; mô hình trang trại nuôi trồng khép kín kết hợp điện mặt trời của CCB Võ Văn Vũ, xã Phước Diêm (Thuận Nam); mô hình sản xuất, kinh doanh đồ gia dụng, nội thất của CCB Nguyễn Châu Toàn, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)...

Ông Võ Văn Vũ, cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm (Thuận Nam).

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 41 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 37 trang trại, 271 gia trại do HV CCB làm chủ, thu hút gần 1.500 lao động. Phong trào đã trở thành động lực để cán bộ, HV CCB phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân; phát triển KT-XH địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Để giúp HV có điều kiện phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn vốn tín dụng ưu đãi và tăng cường tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, các cấp hội CCB chú trọng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho HV tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua 264 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ 585,69 tỷ đồng đã giúp cho 1.863 hộ HV CCB vay để phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, góp phần giải quyết hơn 12.800 lao động nông thôn có việc làm ổn định tại địa phương...

Đồng chí Lê Đình Đàn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Để phong trào tiếp tục có sức lan tỏa, Hội CCB tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, HV phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào thi đua “CCB gương mẫu” về số lượng, quy mô, chất lượng. Tăng cường sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng đội, phát huy hoạt động “tương thân, tương ái” nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. Duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, mỗi năm phấn đấu mỗi huyện, thành hội có từ 1-2 mô hình sinh kế do CCB làm chủ, tạo điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho HV CCB. Đặc biệt, tiếp tục phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường, chủ động khai thác tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển và mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các dự án kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho CCB và con em CCB.