Niềm vui chưa trọn !

Có thể nói thời tiết năm nay rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Sau thắng lợi của vụ đông-xuân vừa qua, nông dân đã tập trung xuống giống vụ hè-thu.

(NTO) Theo thống kê, trong vụ này toàn tỉnh đã gieo trồng trên 30.340 ha cây hàng năm, tăng 21,1% so cùng vụ năm trước và vượt 1,4% kế hoạch. Trong số này cây lúa chiếm trên 14.275 ha, tăng 28,8% so cùng vụ. Đến nay, trà lúa đầu bà con nhiều địa phương đã thu hoạch với năng suất khá cao, có nơi đạt trên 75 tạ/ha. Đáng nói là do đầu vụ nên theo “quy luật” giá lúa cũng…kha khá, trên dưới 6.800 đồng- 7.200 đồng/kg tùy theo giống và sự ưa chuộng của người tiêu dùng về chất lượng gạo của giống lúa đó. Được mùa, được giá luôn là mong mỏi của nông dân, thế nhưng, để niềm vui này trọn vẹn thật khó. Nghe ra là không có lý lắm nhưng thực tế là vậy! Vì sao ?

Theo phản ảnh của nhiều “nông gia” giá lúa cao, thất thường không ổn định trong vụ và không đủ sức “chi phối” các chi phí đầu tư cho sản xuất. Cụ thể, công làm đất mặc dù đã được cơ giới hóa nhưng giá cũng khá cao và tăng từ 15-20% theo vụ. Nặng nhất là giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… đã tăng rồi thì… khó giảm xuống và tăng nhiều đợt trong một vụ sản xuất, trung bình tăng 20-30% tùy loại. Đã vậy, do thiếu vốn nên nhiều nông dân phải chấp nhận “ăn trước trả sau”, tất nhiên là phải cộng vào đó là lãi suất tương ứng…

Khâu sản xuất là vậy nhưng khi thu hoạch sản phẩm thì cũng không khá hơn. Giá lúa do thương lái định đoạt và tất nhiên là lệ thuộc vào thương lái đã ứng trước chi phí đầu tư cho nông dân, thường là giảm từ 1 đến 2 giá so với thị trường. Như vậy, cả đầu vào lẫn đầu ra tiếng là làm “chủ ruộng” nhưng đa phần nông dân đều lệ thuộc. Mà đã lệ thuộc thì vô hình trung mất đi quyền được "định đoạt" sản phẩm của mình. Cho nên được mùa, mất giá nhưng vui chưa trọn cũng vì lẽ đó !

Giải quyết tình trạng nói trên được không? Tất nhiên là có “giải pháp”. Theo nhiều bà con cho biết có 3 cái cần trong sản xuất hiện nay, đó là: cần vốn; cần kỹ thuật và cần đầu ra ổn dịnh. Một khi đáp ứng đủ 3 điều kiện này thì nông dân lãi ít nhất 30% như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Yêu cầu đặt ra là các ngành chức năng liên quan như Nông nghiệp – PTNT; Công Thương… phải vào cuộc để cùng đồng hành với nông dân thì mới có thể “cải thiện” được những vướng mắc như đã nêu.