Nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng

Trong 9 tháng năm 2024, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, các siêu thị, trung tâm mua sắm luôn duy trì lượng hàng hóa dồi dào và tăng cường đầu tư các sản phẩm mới, đa dạng phong phú. Các kênh siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi đã kích cầu, thu hút lượng người tiêu dùng mua sắm nhộn nhịp.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng tỉnh còn tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên các lĩnh vực; khai trương thí điểm và duy trì tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP. Phan Rang-Tháp Chàm vào buổi tối các ngày cuối tuần; dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và 2/9, người lao động được nghỉ dài ngày nên nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Mặt khác tỉnh còn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các địa phương triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch như: Phát triển các sản phẩm du lịch mới, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các gói, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn gắn với chính sách giảm giá, kích cầu trong dịp hè thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 32.278,9 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 16,6%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 24.570,0 tỷ đồng, chiếm 76,12% tổng mức và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 5.015,9 tỷ đồng, chiếm 15,54% tổng mức và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 14,2 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 24,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.678,8 tỷ đồng, chiếm 8,30% và tăng 15,5%.

Về mặt bằng giá, tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,58% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9, CPI tăng nhẹ 0,12% so với tháng trước và tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do một số mặt hàng tăng giá, trong đó đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng do nhu cầu mua sách vở, bút viết của học sinh đầu năm học; giá các loại rau tăng do ảnh hưởng giá rau xanh toàn quốc tăng sau siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Bắc, sản lượng cung thị trường thấp; giá gas được điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.

Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê Ninh Thuận cho biết: Trong mức tăng 4,58% của CPI bình quân 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ 11/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng. Cụ thể: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 12,41%, trong đó tiền thuê nhà thực tế tăng 32,86% do giá chi phí dịch vụ đi kèm tăng; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,78% do tiền công lao động tăng; giá điện sinh hoạt tăng 8,76% do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng và ngày 9/11/2023 EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng; giá gas tăng 8,78% theo giá gas thế giới..., tác động làm chỉ số giá nhóm này tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tiếp đến nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,41% do giá vàng tăng mạnh tác động đến các mặt hàng trang sức tăng 26,44%. Ngoài ra, do giá công tăng và nhu cầu làm đẹp tăng nên giá các dịch vụ tăng như: Giá cắt tóc, gội đầu tăng 8,22%; giá dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 23,50%; giá bảo hiểm y tế tăng 23,80% tăng theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1/7/2024.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,97%, chủ yếu do chỉ số nhóm gạo tăng 25,14% (tăng theo giá gạo xuất khẩu). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,24%, do áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,76%, do nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng, cụ thể: May mặc tăng 2,66%, trong đó nhóm quần áo may sẵn tăng 2,58%; nhóm may mặc khác và mũ nón tăng 2,62%; giày dép tăng 2,17%; dịch vụ may mặc tăng 9,22%, trong đó tiền công may mặc tăng 10,66%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 3,72%.

Các nhóm: Đồ uống và thuốc lá tăng 2,45%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,17%; nhóm giáo dục tăng 2,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,75%; nhóm giao thông tăng 0,51%; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,02%.