Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển

Năm 2024, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), khẳng định năng lực của mình. Qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, thời gian qua, Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận đã đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) trên diện tích 8,69ha, với quy mô công suất gần 10 triệu sản phẩm/năm. Ông Chae Soo In, Giám đốc Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận cho biết: Công ty chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng về mặt hàng đồ chơi thú nhồi bông để xuất khẩu sang các nước. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển dụng, đào tạo và tạo việc làm ổn định cho 4.900 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. DN luôn chấp hành tốt các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên

Mặc dù, trong năm 2024, tác động của tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, giá cả tiêu dùng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng, hoạt động của DN trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, cộng đồng DN của tỉnh đã chủ động vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì ổn định, phát triển và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định KT-XH, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tính đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có 331 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 4.162 tỷ đồng, tăng 0,61% số DN; có 114 DN mở rộng kinh doanh với số vốn đăng ký bổ sung thêm 3.599,8 tỷ đồng, tăng 1,98 lần so cùng kỳ. Tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay có 4.577 DN, với tổng vốn 93.969,7 tỷ đồng. Hoạt động hợp tác xã tiếp tục được duy trì, trong 9 tháng có 7 hợp tác xã thành lập mới/7,4 tỷ đồng, nâng tổng số đến nay có 128 hợp tác xã/252,8 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 64 dự án/51.514 tỷ đồng.

Công nhân Công ty TNHH Innoflow Ninh Thuận tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) vào ca sản xuất.

Để phát huy vai trò của DN trong sự phát triển KT-XH thời gian qua, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Cụ thể, đã tổ chức gặp mặt, đối thoại DN hằng tháng, quý và theo chuyên đề, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN. Tổ chức nhiều hội nghị và cuộc họp chuyên đề để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khoáng sản, quy hoạch...; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN phục hồi SXKD. Trong 9 tháng, có 45 kiến nghị tập trung các lĩnh vực đầu tư, thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường... đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 6.433 lượt DN, hộ kinh doanh, với tổng số tiền 389,8 tỷ đồng, trong đó: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho 6.025 lượt/378,3 tỷ đồng; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 408 trường hợp/11,5 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển SXKD. Thời gian qua tỉnh cũng đã kiện toàn các hiệp hội, tổ chức DN qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác để cùng nhau phát triển, hỗ trợ nhau trong SXKD. Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch bước đầu tạo được những chuyển biến trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công, du lịch và hỗ trợ phát triển DN, cũng như trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư; hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư, SXKD trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò của DN trong phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian tới tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí và thời gian gia nhập thị trường cho DN; tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực đất đai, công nghệ... Hỗ trợ DN phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; kết nối DN với các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các DN, doanh nhân cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả SXKD; chủ động tiếp cận các nguồn lực về khoa học - công nghệ, mở rộng thị trường, kết nối với các DN cùng tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm. Phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa DN để cùng phát triển, hỗ trợ nhau trong SXKD. Cùng với đó cần tăng cường vai trò của doanh nhân trong xã hội, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DN để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển.

----------

Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hoàn tất các thủ tục cấp chủ trương đầu tư cho 7 dự án và ký kết bản ghi nhớ 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiếp đón và làm việc với trên 20 lượt nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh. Trung tâm cũng đã hỗ trợ DN tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư, hội chợ du lịch; qua đó hỗ trợ 195 lượt DN tham gia trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện; hỗ trợ 94 DN tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh, giới thiệu 368 sản phẩm; tập huấn về xúc tiến thương mại điện tử, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch cho trên 240 lượt lãnh đạo, quản lý các DN. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá du lịch đến với du khách. Tổ chức các sự kiện xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch đối với các nước có lượng khách du lịch lớn và tiềm năng như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức...

Trung tâm cũng đã chú trọng công tác tư vấn hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án động lực. Nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, khó khăn, vướng mắc đối với 250 DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 37 DN. Trung tâm đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan, DN triển khai xây dựng và hoàn thiện 13 đề án thuộc các chương trình khuyến công địa phương, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

 Ông Nguyễn Tiến Nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:

Với vai trò là “cầu nối” đại diện và bảo vệ quyền lợi, giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh đã phối hợp, tham mưu đến các sở, ban, ngành, địa phương các văn bản góp ý dự thảo về các lĩnh vực hoạt động, đề xuất, kiến nghị xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức các buổi gặp mặt, cà phê DN kết nối, cung cấp thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước phổ biến đến các hội viên; phối hợp đào tạo, nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn, nhằm áp dụng có hiệu quả vào chiến lược kinh doanh của DN. Hiệp hội cũng đã tích cực tham gia công tác thiện nguyện, hoạt động an sinh xã hội như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tài trợ các chương trình, hoạt động vì người nghèo; quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với số tiền 135 triệu đồng. Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh, quản trị DN tiêu biểu; tích cực tham gia các hoạt động kết nối giao thương với các DN; thành lập trung tâm trưng bày nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm và du lịch, các dịch vụ chất lượng; cùng chia sẻ, đồng hành bảo vệ quyền lợi cho DN. 

 Doanh nhân Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Mực Nhảy Biển Đông:

Qua quá trình tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư trên 120 tỷ đồng để đầu tư các lồng bè bằng vật liệu mới HDPE cỡ lớn, có lồng kích thước 7.850m2, thể tích 100.000m3 nước, đây là loại lồng bằng vật liệu HDPE lớn nhất thế giới hiện nay để nuôi hải sản ở khu vực biển mở. Tất cả đều được doanh nghiệp tự nghiên cứu, sản xuất và thi công. Hiện tại Mực Nhảy Biển Đông đang là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thành công với mô hình nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên, kết hợp nuôi nhiều cá thể hải sản trong một lồng nuôi; ở tầng đáy nuôi ốc hương, tầng giữa nuôi mực và trên mặt trồng rong sụn, hướng tới nuôi công nghiệp đối với con mực. Qua quá trình nuôi thử nghiệm, mô hình đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu từ 400-500 triệu đồng/lồng/vụ. Quá trình hoạt động, công ty đã tham gia tài trợ, ủng hộ các hoạt động thể thao, văn hóa, an sinh xã hội tại địa phương với kinh phí gần 300 triệu đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tỉnh tạo điều kiện, sớm cấp phép sử dụng mặt nước và vị trí đất trên bờ để doanh nghiệp có đủ điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cho việc phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương.