Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ IX

Trong hai ngày 18 và 19-8, Viện Năng lượng Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Ninh Thuận tổ chức Hội nghị KH-CN hạt nhân toàn quốc lần thứ IX.

(NTO) Tham dự hội nghị có đồng chí: Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH-CN; đại diện Văn phòng TW Đảng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH-CN. Về phía tỉnh ta có đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành và trên 250 nhà khoa học thuộc 40 tổ chức KH-CN, tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) của Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Đỗ Hữu Nghị hoan nghênh các đại biểu về tham dự, đồng thời giới thiệu những tiềm năng của Ninh Thuận và mong muốn các nhà khoa học trong lĩnh vực NLNT cung cấp đầy đủ các thông tin, thành tựu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhằm giúp các nhà quản lý, cán bộ và nhân tỉnh Ninh Thuận nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hiểu hơn về lĩnh vực này. Qua đó mở rộng các chương trình hợp tác đầu tư, góp phần hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai xây dựng thành công Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà khoa học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực NLNT của Việt Nam và các nước Nhật Bản, Đức, Pháp đã trình bày và phân tích các nguyên lý hoạt động về điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân; tình hình thực hiện Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận; một số thách thức đối với việc xây dựng lò phản ứng thế hệ 3 ở các nước đang phát triển; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, nông sinh, công nghiệp, địa chất thủy văn; chu trình nhiên liệu, công nghệ vật liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ... Nhằm giúp cho các nhà quản lý có thêm phương án lựa chọn tối ưu nhất, đảm bảo cho sự an toàn và hiệu quả của Nhà máy ĐHN.

Hội nghị cũng đã dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận và nghe các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp trực tiếp các vấn đề cần quan tâm, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhất là sau sự cố Nhà máy ĐHN tại Nhật Bản; đồng thời đề xuất mục tiêu, phương hướng hoạt động KH-CN trong lĩnh vực NLNT cho giai đoạn 2011-2013.

Để thông tin khách quan và khoa học về phát triển ĐHN, tạo sự đồng thuận cao của người dân địa phương đối với chủ trương xây dựng Nhà máy ĐHN; Sở KH-CN và Viện NLNT Việt Nam cũng đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận về hợp tác triển khai các hoạt động quản lý Nhà nước phục vụ Dự án ĐHN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh: Bộ KH-CN đang chuẩn bị chương trình KH-CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho giai đoạn 2011-2015 và dự án Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận đang được các đối tác Nga và Nhật Bản phối hợp với Việt Nam triển khai theo lộ trình. Vì thế, những kết quả công bố tại hội nghị này đã góp phần quan trọng không chỉ cho việc quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ mà còn rất có ý nghĩa cho việc quy hoạch phát triển Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Thứ trưởng Bộ KH-CN mong muốn các nhà khoa học, các tập đoàn trong lĩnh vực NLNT tiếp tục tăng cường hơn nữa việc tiếp cận và khai thác có hiệu quả lĩnh vực này để mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Bên lề Hội nghị, các đại biểu còn được Ban Tổ chức đưa đi tham quan các địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận và các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm.

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ninh Thuận rất vinh dự được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị KH-CN hạt nhân toàn quốc lần thứ IX. Đây là hội nghị nhằm công bố những kết quả mới về nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân. Chủ đề và các nội dung thảo luận tại diễn đàn của Hội nghị lần này sẽ giúp người dân trong tỉnh hiểu hơn về năng lượng nguyên tử, qua đó tạo được sự đồng thuận cao đối việc việc xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh ta. Qua đây, một lần nữa khẳng định chủ trương và quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ trong phát triển năng lượng nguyên tử là nhằm mục đích đưa việc quy hoạch, phát triển ứng dụng bức xạ và quy hoạch phát triển ĐHN vào cuộc sống, từng bước tiến đến xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

 
Đồng chí Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ KH-CN được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân. Để làm tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao, Bộ KH-CN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các chiến lược như: Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình; Luật Năng lượng nguyên tử trình Quốc hội thông qua; nghiên cứu làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển ĐHN ở Việt Nam; chuẩn bị đội ngũ chuyên gia nòng cốt cho chương trình phát triển ĐHN ... Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đó đã tạo cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước ta có quyết sách về việc xây dựng Nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Với ý nghĩa đó, tại Hội nghị này các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các đơn vị KH-CN, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã trao đổi, công bố và phân tích cho cán bộ và người dân Ninh Thuận hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như các điều kiện an toàn của công nghệ ĐHN khi Nhà máy ĐHN được xây dựng.
PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam

Phát triển công nghệ hạt nhân là chủ trương mang tầm chiến lược lâu dài của quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới. Chiến lược này đã được Chính phủ nước ta tập trung chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay. Nếu so với các nước đang phát triển trên thế giới thì Việt Nam chúng ta được đánh giá khá cao về lĩnh vực này. Điều này càng thể hiện rõ sự cam kết của Nhà nước ta đối với chương trình phát triển năng lượng nguyên tử. Với chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thường niên cứ hai năm một lần Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các nhà khoa học, các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có điều kiện trao đổi, góp ý để đưa ra các kết quả nghiên cứu mới nhằm thúc đẩy, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam ngày một hiệu quả hơn.