Sử dụng công nghệ lò Hoffman khắc phục ô nhiễm

Sau một năm lắp đặt lò Hoffman - kiểu lò gạch đốt trấu liên tục theo công nghệ của Đức, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Thạch tại cụm công nghiệp Tân Dương, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đã khắc phục được ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu tư.

Công ty Kim Thạch được thành lập từ năm 2006, chủ yếu là sản xuất gạch-gốm-sứ xuất khẩu. Hiện công ty có 12 lò thủ công sản xuất gốm-gạch.

Năm ngoái, công ty đã đầu tư trên 1 tỷ đồng lắp đặt lò Hoffman để nâng cao chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm khói bụi trong sản xuất gạch-gốm nung.

Ông Lê Hoàng Long - Phó giám đốc công ty cho biết, theo mô hình công nghệ lò Hoffman, lò được xây dựng bằng gạch thẻ gồm hai dãy, mỗi dãy 10 buồng đốt, hoạt động theo công nghệ buồng đốt liên tục, có công suất 20.000 viên/ngày đêm.

Quá trình ứng dụng đã thể hiện nhiều ưu điểm, kinh tế hơn so với lò nung truyền thống như lò gạch đốt trấu liên tục tiêu hao nhiên liệu dưới 0,35 kg trấu/kg gạch thành phẩm, tỷ lệ gạch rạn vỡ dưới 0,5%.

Trong khi đó, lò thủ công tiêu thụ 0,5 kg trấu/kg gạch thành phẩm. Do đó, lò gạch kiểu mới tiết kiệm 30% nhiên liệu so với lò thủ công.

Đặc điểm của lò nung Hoffman có đến 18 khoang chứa sản phẩm, 20 cửa xuất nhập nằm ở hai dãy với những van điều phối. Công nhân đốt lò có thể điều tiết dòng lửa nung đi qua các khoang cần nung, hoặc khống chế không cho dòng lửa đi đến các khoang đang xuất nhập sản phẩm theo ý muốn.

Trên đỉnh lò được bố trí nhiều ngách nhỏ, công nhân có thể quan sát mức độ chia lửa ở các khoang đang nung và khi cần thiết có thể điều chỉnh, bố trí các miệng nung bổ sung tại các ngách nhỏ này để tăng cường nhiên liệu cho các khoang có lửa yếu.

Việc bố trí nhiều khoang khiến việc lưu dẫn nhiên liệu trong lò được chủ động, dễ dàng luân chuyển và điều tiết lửa hoặc hong sấy sản phẩm tại các khoang đạt chất lượng theo yêu cầu.

Thời gian nung gạch của lò nung cải tiến chỉ 24 giờ, còn đối với lò thủ công thì thời gian nung kéo dài, mỗi mẻ nung từ 15 đến 20 ngày; riêng khâu chờ gạch nguội và chuyển gạch thành phẩm ra khỏi lò phải mất đến 1 tuần. Do thời gian nghỉ đốt của lò quá lâu nên khi bắt đầu một mẻ mới phải làm nóng lò lại ngay từ đầu, vì vậy không tận dụng được lượng nhiệt trong lò.

Ngoài việc khắc phục ô nhiễm môi trường khói bụi, một trong những nguyên nhân để công ty Kim Thạch chủ động đầu tư xây dựng lò Hoffman chính là để đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm, tạo môi trường trong lành cho lực lượng công nhân lao động, đồng thời thu nhập của người lao động được nâng lên.

Từ việc ứng dụng công nghệ truyền nhiệt của lò Hoffman đạt hiệu quả cao, công ty đang tiến hành ứng dụng công nghệ này vào sản xuất thử nghiệm trên hệ thống các lò vôi cải tiến. Kết quả ban đầu cho thấy, việc áp dụng cách đốt ở miệng lò này, truyền nhiệt sang để nung cho lò kia là rất khả quan với mức độ giảm thiểu khói bụi ra bên ngoài là 50%.

Hiện công ty Kim Thạch đang tiếp tục nghiên cứu để có thể chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói trong tỉnh.

Nguồn khoahoc.com.vn