Thuận Bắc:

Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững

Để Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống, Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế -xã hội sau gần một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau hơn nửa năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II ?

- Đồng chí Nguyễn Phi Long: Năm 2011 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II vì thế, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Thuận Bắc đã cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm 2011- 2015, trong đó tập trung chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu đó, huyện xác định, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mai-dịch vụ (TM-DV) và trong ngành nông nghiệp. Với định hướng như trên, qua 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất 6 tháng tháng đầu năm 2011 của toàn huyện là 826 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2010. Cơ cấu giá trị sản xuất: công nghiệp-xây dựng chiếm 53,7%, nông nghiệp chiếm 32,7%; dịch vụ chiếm 13,6%. Thu ngân sách được 4,4 tỷ đồng, đạt 63,1% kế hoạch. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 195 tỷ đồng.

 Khu trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Miên

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn được khởi công trên địa bàn huyện với số vốn hàng trăm tỷ đồng, như: Nhà máy Chế biến rau câu Sơn Hải, Nhà máy lắp ráp động cơ Diezen-Hoàng Gia Phát, dự án Điện gió Trung Nam,... Ngoài khu công nghiệp Du Long và cụm công nghiệp Suối Đá đã được quy hoạch, huyện tiếp tục quy hoạch khu thương mại - dịch vụ phía Đông dọc quốc lộ 1A và mở rộng quy hoạch Trung tâm hành chính huyện về phía Nam với diện tích 33,17 ha. Kinh tế tư nhân cũng tăng nhanh và khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền kinh tế. Hiện toàn huyện có 22 doanh nghiệp, hợp tác xã và 467 hộ kinh doanh cá thể. Đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh, tổng mức đầu tư xã hội 6 tháng đạt 195 tỷ đồng, phân bổ cho 151 danh mục công trình, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 33 công trình, đang triển khai thi công 12 công trình, 18 công trình đang lập thủ tục hồ sơ thi công. Một số dự án đầu tư xây dựng đúng định hướng, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đang được đầu tư đúng mức. Giáo dục và đào tạo phát triển nhanh về quy mô; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao hơn. Hoạt động mạng lưới y tế cơ sở từng bước được nâng cao, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Huyện đã cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở tạm bợ dột nát cho các hộ nghèo, đời sống các gia đình chính sách ngày càng được cải thiện rõ rệt.

- Phóng viên: Như vậy để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2011, huyện Thuận Bắc tập trung vào những nội dung trọng tâm gì ?

- Đồng chí Nguyễn Phi Long: Trước mắt, về nông nghiệp, huyện sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sản xuất có hiệu quả vụ đông xuân; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Huyện cũng đã đầu tư hơn 22 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh bơm Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong để cung cấp nước sản xuất phục vụ cho hơn 200 ha đất do thiếu nước, phấn đấu đảm bảo diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 9.600 ha. Triển khai năm đầu tiên thực hiện đề án Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015. Hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020 và quy hoạch nông thôn mới ở 6 xã. Về công nghiệp-xây dựng, tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển nhất là trong lĩnh vực sản xuất xi-măng, gạch tuy-nen, đá gra-nít, đá xây dựng, phân bón vi sinh; thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Khu du lịch Bình Tiên, các dự án đã được động thổ trong năm. Kêu gọi đầu tư vào khu thương mại phía đông Quốc lộ 1A, khu trung tâm hành chính huyện. Mở rộng mạng lưới dịch vụ nông thôn, xây dựng các chợ xã nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất giao lưu hàng hóa tập trung. Tranh thủ các nguồn vốn Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho kinh tế nông nghiệp nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2011, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 1.400 tỷ đồng, trong đó công nghiệp-xây dựng chiếm 52,1%, nông nghiệp chiếm 33% và dịch vụ chiếm 16,7%; thu ngân sách 6,9 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 420 tỷ đồng.

Về lâu dài, Thuận Bắc sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển nông thôn, nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện trên cơ sở lợi thế về sản xuất lương thực, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc. Gắn với lợi thế sản xuất nông nghiệp và lao động để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính bền vững. Đầu tư xây dựng xã Lợi Hải trở thành thị tứ của huyện. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm không ngừng tăng nhanh tỷ trọng về giá trị sản xuất, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !