(NTO) Với lợi thế là nơi có khu trung tâm hành chính huyện đang xây dựng, Lợi Hải đã được hưởng “lây” nhiều công trình hạ tầng đồ sộ, nổi bật là con đường đôi tráng nhựa phẳng lì từ Quốc lộ 1A chạy vào thôn Ấn Đạt. Chia sẻ nhận xét trên, anh Trần Kim Tiên, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Dù vẫn còn là xã nghèo nhưng Lợi Hải đang có những tiền đề thuận lợi để vươn tới mục tiêu xây dựng thị trấn mới”.
Khu trung tâm hành chính huyện đã góp phần thay đổi diện mạo xã miền núi Lợi Hải.
Từ trụ sở xã nhìn bao quát vùng đất đang quy hoạch trung tâm hành chính huyện, có thể thấy rõ nhiều trục đường đang được san ủi ngang dọc bên cạnh các tòa nhà công sở mới mọc lên. Quả thật Lợi Hải trước mắt tôi đang gợi lên bao điều thú vị, cho thấy tín hiệu đáng mừng của một xã miền núi trên đường phát triển. Với tổng diện tích tự nhiên 6.820 ha, phần nhiều là đồi núi, Lợi Hải có 5.407 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 505 ha ruộng lúa, còn lại là nương rẫy rải rác ở núi xa. Ruộng ở đây được hưởng lợi từ nguồn nước hồ Sông Trâu mỗi năm làm 2 đến 3 vụ nhưng trồng lúa không phải là thế mạnh. Trên các nương rẫy, ngoài bắp địa phương và rau đậu các loại, người dân còn trồng 594 ha điều, 66,5 ha mía và 10 ha thuốc lá và hiện đang trồng thử nghiệm 20 ha bắp lai và 8 ha lúa nước giống mới do Sở Khoa học-công nghệ và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện triển khai. Chị Eama Xít Thị Sở, cư trú tại thôn Bà Râu 2 cho biết: “Gia đình tôi thoát nghèo từ năm 2006, nhờ vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp tôi đã xây được nhà cửa khang trang rộng rãi hơn, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và vẫn tiếp tục mưu sinh bằng nghề nông”. Đáng chú ý trước hiệu quả kinh tế mang lại, cây mía đang được nông dân địa phương quan tâm đầu tư trồng. Gần đây, thực hiện Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015” của huyện, Lợi Hải có kế hoạch trồng 240 ha cây mít, trước mắt trong năm nay trồng điểm 3 ha ở các thôn Ấn Đạt, Kiền Kiền 2, Suối Đá; đến năm 2012 mở rộng thêm diện tích 139 ha và năm 2013 tiếp tục trồng mới 93 ha.
Tuy nhiên điều làm chúng tôi quan tâm tìm hiểu nhiều không phải là sản xuất nông nghiệp mà chính là lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Theo báo cáo của UBND xã, hiện đã có 330 hộ kinh doanh, buôn bán lẻ và làm các dịch vụ xây dựng, vận tải, ăn uống, công nghệ thông tin-truyền thông và các dịch vụ khác; có 23 hộ tiểu thủ công nghiệp làm bán thời gian các nghề đan lát và làm gùi từ mây tre. Dù thương mại dịch vụ của Lợi Hải còn nhỏ yếu nhưng đã cho thấy có sự chuyển dịch từng bước trong cơ cấu kinh tế, đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2011-2015. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết trên địa bàn xã hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất rong sụn Sơn Hải và Nhà máy lắp ráp động cơ Đi-ê-zen, trong tương lai khi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở Lợi Hải. Anh Giắc Tấn Giáp, một cư dân cũng ở thôn Bà Râu 2 phấn khởi nói: “Người dân đã có điều kiện sinh hoạt văn minh hơn, như con cái tôi đều được học hành đi làm nghề, riêng đứa con gái lớn của tôi mở tiệm may quần áo trong thôn. Nay lại nghe có nhà máy đang xây dựng, đó là những điều trước kia tôi không dám nghĩ tới, thật sự không còn gì vui hơn khi quê hương đổi khác từng ngày”.
Lợi Hải có trên 2.660 hộ (trên 11.200 dân) thì đã có 95% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và điện sinh hoạt đã phủ khắp các thôn trong xã. Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đang được thi công và vùng quy hoạch phát triển thương mại-dịch vụ có diện tích 26,6 ha đang kêu gọi đầu tư, Lợi Hải đang hướng tới mục tiêu trở thành một thị trấn miền núi nhiều tiềm năng. Tuy nhiên theo anh Trần Kim Tiên: “Do đặc điểm kinh tế-xã hội, trong vài năm tới Lợi Hải vẫn là xã nông nghiệp, vì vậy để trở đô thị trong tương lai, Lợi Hải còn phải phấn đấu nhiều. Hiện nay huyện Thuận Bắc đang trong bước khảo sát lập đề án xây dựng Lợi Hải trở thành đô thị loại 5 vào năm 2015, lúc ấy chắc sẽ có nhiều nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư. Nhưng theo tôi bên cạnh đầu tư hạ tầng, trước mắt cần phải tập trung giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.
Bạch Thương