Ninh Sơn: Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, du lịch nông thôn (DLNT) được huyện Ninh Sơn đẩy mạnh phát triển, xem đây là “trụ cột” trong phát triển kinh tế nông thôn, động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Hai trong một

Nhiều năm trở lại đây, tại xã Lâm Sơn với thế mạnh về trồng cây ăn trái, địa phương đã phát huy hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch (DL) sinh thái. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Mạnh, chủ vườn Bé Tèo ở thôn Lâm Bình, từ vườn cây ăn trái gần 2ha trồng theo hướng hữu cơ kết hợp với DL, gia đình chị có thu nhập đảm bảo từ 10-20 triệu mỗi ngày và tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với bình quân 150.000 đồng/ngày/người.

Hiện nay thương hiệu trái cây Lâm Sơn đã được công nhận và có chỉ dẫn địa lý. Toàn xã hiện có 580ha cây ăn trái (tăng 180ha so với năm 2020) chủ yếu như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, mít, xoài, dừa, bơ... Nhiều chủ vườn đã tập trung phát triển DL ngay tại vườn và hiện có 30 hộ đang hoạt động theo hướng DL trải nghiệm để phục vụ du khách và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để cùng nhau hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái và làm DL, trên địa bàn xã đã thành lập 2 tổ liên kết mô hình DL vườn trái cây (tổ liên kết phía Bắc và Nam thác Sakai). Một số hộ dân cũng đã bắt đầu thay đổi cách làm để phục vụ tốt hơn cho hoạt động DL trải nghiệm tại vườn. Trong đó, có nhiều hộ là bà con dân tộc Raglai và K'Ho ở các thôn Gòn, Tầm Ngân cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm vườn trái cây và là vệ tinh cung ứng trái cây cho các vườn trái cây lớn hơn.

Du khách tham quan trải nghiệm tại vườn trái cây Lâm Sơn (Ninh Sơn).

Mô hình DL vườn trái cây Lâm Sơn đi vào hoạt động ổn định từ năm 2018, thu hút đông du khách đến tham quan đã góp phần mạnh mẽ vào xây dựng NTM của xã. Đời sống người dân các thôn: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Quý, Tầm Ngân nâng lên rõ rệt. Nhận thấy được sự đổi thay từ xây dựng NTM, người dân xã Lâm Sơn đã đồng lòng ra sức thi đua, tăng gia lao động sản xuất, chung tay cống hiến sức người, sức của cùng với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Tiêu biểu là người dân cùng nhau hiến đất mở rộng các tuyến đường vào vườn trái cây ở các thôn và khu vực phía Nam thác Sakai để du khách di chuyển thuận lợi cũng như góp phần xây dựng diện mạo nông thôn của xã. Mô hình DL vườn trái cây Lâm Sơn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục mô hình điểm của Chương trình phát triển DLNT, trong xây dựng NTM quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Ngoài xã Lâm Sơn, huyện còn tập trung quy hoạch các vườn cây ăn trái tại các xã, thị trấn trên địa bàn gắn với phát triển DL sinh thái nông nghiệp, đến nay tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện đạt 2.674ha. Nhãn hiệu “Trái cây Ninh Sơn” khẳng định chất lượng, thương hiệu trái cây của địa phương và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, nhờ đó các mô hình nhà vườn sản xuất trái cây gắn với hoạt động DL, tham quan các thắng cảnh tự nhiên đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Hướng đi phát triển bền vững

Việc phát triển DLNT gắn với NTM trên địa bàn huyện Ninh Sơn mang lại lợi ích kép. Từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, là động lực quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong định hướng phát triển DLNT gắn với xây dựng NTM, trên cơ sở khảo sát, tìm ra những nét đặc trưng, những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử, Huyện ủy, UBND huyện Ninh Sơn đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch nhằm tận dụng và phát huy thế mạnh của từng địa phương; thúc đẩy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa bản địa; hướng người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm DL nổi bật như: Đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha), thác Sakai, suối đá Sông Pha, vườn trái cây Lâm Sơn (xã Lâm Sơn); Thác Tiên (xã Hòa Sơn); Suối Thương (xã Quảng Sơn); vườn nho Trí Hà, Nông trại đỏ (Nhơn Sơn)... Phát triển DLNT đã góp phần vào chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 6/7 xã đạt chuẩn NTM, 2/7 xã NTM nâng cao; 24/53 thôn đạt chuẩn NTM và 4/53 thôn NTM kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết thêm: UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương hình thành vùng trồng cây ăn trái đặc thù tại xã Lâm Sơn, hướng đến là xã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, quy hoạch lại khu DL vườn cây ăn trái Lâm Sơn để mở rộng 685ha theo mục tiêu của đề án sản xuất tập trung. Cùng với đó, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, đường điện đến từng vùng sản xuất giúp thuận tiện cho người dân sản xuất, mang lại giá trị cao và dễ kết hợp DL sinh thái... Trước mắt huyện sẽ duy trì diện tích vườn cây ăn trái hiện có trên địa bàn xã Lâm Sơn, tập trung các nguồn lực đầu tư, khai thác theo chiều sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách DL. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, kiến thức làm DL cho hộ dân trong vùng dự án.

Với mục tiêu, phát triển DLNT góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng NTM nâng cao, đi vào chiều sâu và bền vững, địa phương sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ngành hướng dẫn người dân phát triển DL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Để khai thác hết tiềm năng lợi thế có sẵn để phát triển DL cộng đồng, DLNT gắn với xây dựng NTM, huyện đã có chủ trương khuyến khích các chủ nhà vườn đầu tư phát triển DLNT để nâng cao giá trị kinh tế sản xuất trên cùng diện tích đất; đồng thời, tạo nền cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như phát triển DL không chỉ gắn kết với vùng trồng cây ăn quả mà còn gắn kết nhiều vùng sản xuất những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khác, như: Dưa lê, hoa lan, các loại thảo dược quý hiếm của địa phương. Mặt khác, đảm bảo cảnh quan thiên nhiên môi trường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển DL; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư DL, hội nghị, hội thảo, phát triển sản phẩm DL hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các điểm DLNT, nhất là điểm DL tham quan kết hợp sản phẩm đặc thù địa phương tại xã Nhơn Sơn, Lâm Sơn. Về lâu dài, xây dựng và hình thành các điểm DL cộng đồng tại xã Ma Nới và các địa phương khác nhằm hướng đến tính đồng đều, đa dạng của các sản phẩm DL trên địa bàn.