Tại khu vực nuôi biển C1, C2 thuộc huyện Ninh Hải với diện tích mặt nước rộng lớn hàng trăm héc-ta đã được khảo sát đánh giá phù hợp và đã được đưa vào quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Hiện đã có nhiều hộ dân, doanh nghiệp đầu tư lồng bè hiện đại, mở rộng quy mô để nuôi các loại hải sản như: Cá mú, tôm hùm, hải sâm, mực nhảy cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ nuôi biển hiện đại, phù hợp với điều kiện nuôi tại khu quy hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và mở ra triển vọng phát triển vùng nuôi phù hợp.
Công ty Cổ phần Mực Nhảy Biển Đông đầu tư nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên bằng lồng nhựa HDPE. Ảnh: Anh Tuấn
Đơn cử như Công ty Cổ phần Mực Nhảy Biển Đông đã mạnh dạn đầu tư 120 tỷ đồng để nghiên cứu và bước đầu thành công với mô hình thí điểm nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên bằng lồng nhựa HDPE cỡ lớn. Trong đó, có 6 lồng hình chữ nhật và 3 lồng hình tròn và cỡ lồng nuôi bằng nhựa HDPE có kích thước lớn nhất là 7.850m2, thể tích 100.000m3 nước, có mức đầu tư trên 15 tỷ đồng. Theo thiết kế lồng nuôi có thể chống chịu được sóng biển cấp 8, cấp 9. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Mực Nhảy Biển Đông cho biết: Năm 2019, công ty bắt đầu thả 2 lồng nuôi bằng công nghệ HDPE, với quy mô gần 3.000m2 nuôi mực bố mẹ lấy trứng và nuôi thương phẩm, trung bình mỗi lồng cho sản lượng đạt 7 tấn mực, đem lại thu nhập từ 400-500 triệu đồng/vụ. Lợi thế nuôi mực bán tự nhiên không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn có sẵn trong môi trường biển nên giảm đáng kể phí đầu tư. Đặc biệt, trong cùng một lồng nuôi hiện doanh nghiệp này không chỉ nuôi mực mà còn thí điểm nuôi các đối tượng khác như: Ốc hương, hải sâm ở tầng đáy và rong sụn ở tầng mặt để gia tăng hiệu quả kinh tế. Với những hiệu quả ban đầu, công ty mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân cùng phát triển ngành nuôi thủy sản.
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Super Trường Phát cũng đã đề xuất thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản biển công nghệ cao tại khu vực biển C2, C3, C4 với quy mô diện tích 100ha mặt nước biển, công suất thiết kế 400 lồng tròn nuôi cá và 4.000 ô lồng vuông trồng rong biển, với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số hồ sơ dự án xin đầu tư nuôi biển tại khu vực biển thuộc vùng quy hoạch nuôi biển huyện Ninh Hải và một phần diện tích đất trên bờ thuộc khu vực quy hoạch mở rộng cảng cá Mỹ Tân, khu cảng Ninh Chữ của các công ty, nhưng hiện nay còn vướng các thủ tục liên quan nên các dựa án vẫn chưa được giao diện tích mặt nước để triển khai thực hiện.
Nguyên nhân quy hoạch vùng nuôi biển đã được phê duyệt, nhưng chưa phân bổ diện tích bài bản theo từng khu nuôi để tổ chức kêu gọi đầu tư, dẫn đến hiện các nhà đầu tư đăng ký với quy mô diện tích và ranh giới dự án là tự phát, không theo quy hoạch mặt bằng, bố trí không gian phù hợp. Khu vực nuôi biển là biển hở, gặp bất lợi cho lồng, bè nuôi biển vào mùa gió, gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư; chưa tổ chức sắp xếp khu vực nuôi theo phân khu phù hợp để thuận tiện trong quá trình phân lô, phân luồng khu vực nuôi biển. Dự án đề xuất gồm phần đất liền và phần nuôi biển, trong đó phần đất liền chưa được cập nhật đất tự nhiên của tỉnh và chưa thống nhất đồng bộ, chưa phù hợp với công năng sử dụng nên khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Các quy định về tiêu chí kỹ thuật nuôi biển công nghệ cao; các tiêu chí quy định về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm cho doanh nghiệp nuôi biển công nghệ cao; các thông tin về vùng biển nuôi của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây chưa có cơ sở khoa học cho việc xác minh từng vùng nuôi biển phù hợp cho các đối tượng. Trong khi đó, theo quy định về thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện đối với dự án nuôi biển bao gồm cả phần đất liền và phần mặt nước đều phải tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành, lĩnh vực dẫn đến khó khăn trong xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 127 bè nổi với 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm đang nuôi tôm hùm tại các khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, Cà Ná, An Hải và vùng C1, C2; có khoảng 800 lồng bè nuôi cá biển; trên 1.000 bè nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực Đầm Nại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh đạt trên 5.012 tấn. Tiềm năng nuôi các loại cá biển, hải sản của Ninh Thuận rất lớn, song hiện nay các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các dự án nuôi biển công nghệ cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, lập bản đồ vị trí phân khu nuôi biển để sắp xếp vị trí nuôi biển theo quy mô hợp lý, đảm bảo việc phân luồng khu vực nuôi biển. Đồng thời, rà soát tham mưu hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong bước lập dự án nuôi biển có phần diện tích đất liền là đất sạch do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai; xác định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng các khu cảng để bố trí quỹ đất phù hợp cho thực hiện khu dịch vụ hậu cần nuôi biển.
Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 tổng diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt 1.395ha, thể tích lồng nuôi 200.000m3, sản lượng đạt 5.000 tấn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ khu vực nuôi đã quy hoạch; đánh giá nhân rộng các mô hình nuôi biển hiệu quả bền vững. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Anh Tuấn