Sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng
Đắk Lắk hiện là địa phương trồng cà-phê chủ lực của cả nước và là nơi xuất khẩu mạnh mặt hàng sầu riêng, địa phương này đang phấn đấu sẽ có lô hàng sầu riêng đông lạnh đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc ngay sau khi Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng này được ký kết giữa hai quốc gia. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, địa phương đang chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sầu riêng đông lạnh sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông có nhiều thuận lợi hơn vì mỗi quả sầu riêng chỉ ăn được khoảng 30% phần cơm bên trong. Nếu xuất quả tươi thì cùng trọng lượng phải tốn tới 3 container, còn nếu xuất cấp đông chỉ cần 1 container vì đã bỏ đi phần vỏ. Ngoài ra, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông còn không bị áp lực thời gian, giảm chi phí, bảo đảm chất lượng và có thể xuất bán quanh năm.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, sầu riêng đông lạnh chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến tăng đột biến. Nếu thị trường Trung Quốc chuyển sang tiêu thụ sầu riêng đông lạnh, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400-500 triệu USD năm nay. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên đạt cao điểm vào tháng 9-10. Trong năm 2023, đây cũng là 2 tháng có kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất với tổng giá trị khoảng 800 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46,3% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 23,73% trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 32,81% trong 6 tháng đầu năm 2024. Với sự thuận lợi về thị trường và giá cả như hiện tại, trong những tháng cuối năm 2024 xuất khẩu sầu riêng có thể mang về thêm khoảng 1 tỷ USD. Đây cũng là giai đoạn nguồn cung sầu riêng tươi Thái Lan giảm dần và sản phẩm của Việt Nam ở thế “một mình một chợ”.
hàng sầu riêng đang là “quán quân” xuất khẩu trong nhóm ngành rau quả.
Để không bị lỡ cơ hội
Việc mở cửa cho trái sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng rau quả. Song, để việc xuất khẩu sản phẩm này được suôn sẻ, doanh nghiệp cần nắm vững các tiêu chí đặt ra đối với sản phẩm.
Cụ thể, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và bảo đảm không chứa tạp chất kim loại lạ. Bên cạnh đó, nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.
Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.
Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - "Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC/RCP 8-1976).
Như vậy, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là kỹ thuật cấp đông sầu riêng vẫn còn nhiều khó khăn và chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn lớn. May mắn thị trường Trung Quốc ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn so các đối thủ cạnh tranh khác.
Khi có thông tin Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, các địa phương và doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng kho xưởng, làm hồ sơ cấp mã. Ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã tiếp cận với các doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư kho cấp đông, theo tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác để xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào năm 2025.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã xuất nhập khẩu G1, để chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, đơn vị đã đầu tư 4 kho đông lạnh với diện tích 5.000m2, trữ lượng hàng mỗi ngày có thể đạt công suất 18 tấn.
Dự báo nhu cầu sầu riêng tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhờ vào sự yêu thích ngày càng lớn từ người tiêu dùng. Mặc dù không có con số cụ thể về lượng tiêu thụ sầu riêng hằng năm của người dân Trung Quốc, nhưng có thể thấy sầu riêng rất được ưa chuộng, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các Nghị định thư này.
Theo nhandan.vn