Đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 37 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng.

Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã và đang sử dụng những phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi, có tổ chức, chuẩn bị kịch bản từ trước để hoạt động, phổ biến như: Lập các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook giả mạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng An ninh mạng công an các tỉnh, thành phố, các công ty luật và luật sư có uy tín,... để quảng cáo hệ thống chuyên biệt, có tính năng quét được dữ liệu của các nhóm lừa đảo, qua đó có thể hỗ trợ các nạn nhân lấy lại được số tiền đã bị lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo còn lập các tài khoản Facebook “ảo” bình luận nội dung cảm ơn đã giúp đỡ lấy lại tiền nhằm tạo lòng tin cho người bị hại. Khi đã lấy được lòng tin, các đối tượng tiếp tục yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng, đồng thời dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền phí với nhiều lý do khác nhau khiến nạn nhân tin tưởng làm theo. Khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền hoặc phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng sẽ chặn liên lạc.

Mặt khác, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng việc nhiều người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT), để giả danh cán bộ công an xã, phường, thị trấn gọi điện thoại cho nạn nhân hẹn đến trụ sở để đồng bộ ĐDĐT hoặc đề nghị cài đặt qua mạng. Sau đó, đối tượng gửi cho nạn nhân đường link truy cập, tải một ứng dụng có tên, logo và giao diện giống với ứng dụng VNeID. Quá trình cài đặt, ứng dụng này sẽ thu thập các dữ liệu trong điện thoại như thông tin sinh trắc học, tin nhắn, danh bạ, từ đó chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân trong tài khoản.

Trước bối cảnh ngày càng gia tăng của các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, ngày 18/12/2023 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ, góp phần phát hiện tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ngày 30/7/2024, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chính thức ra mắt Phần mềm phòng chống lừa đảo “nTrust”. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh (smartphone), giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát, quét các ứng dụng trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo.

Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình của Công an tỉnh Ninh Thuận, để đối phó với các giải pháp theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện tình trạng các đối tượng đến các khu công nghiệp, một số trường học để dụ dỗ, thuê người dân, học sinh, sinh viên sử dụng thẻ căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng để bán lại cho các đối tượng và chụp ảnh 3 chiều, quay lại video của chủ tài khoản để sau này sử dụng khi thực hiện chuyển tiền, phục vụ mục đích phạm tội.

Trước thực tế trên; đồng thời để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp; ngày 22/8/2024, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 3847/UBND-TCD gửi các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh đề nghị tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức,... và quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Khi nghe điện thoại tự xưng là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để yêu cầu thực hiện một số nội dung liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy, kinh tế,... thì kiên quyết không nghe theo, không làm theo vì các cơ quan nhà nước không làm việc hoặc yêu cầu người dân cung cấp thông tin qua điện thoại mà chỉ làm việc trực tiếp khi có giấy mời, giấy triệu tập.

Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành IOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android), chỉ thực hiện kích hoạt tài khoản trên ứng dụng VNeID hoặc địa chỉ http://vneid.gov.vn. Tuyệt đối không cài đặt, kích hoạt ứng dụng từ các nguồn khác do các đối tượng yêu cầu.

Không chia sẻ thông tin tài khoản ĐDĐT (mật khẩu ứng dụng; mật khẩu tài khoản,...) cho người khác khi không biết người đó là ai. Chỉ cung cấp thông tin trên ứng dụng cho cơ quan chức năng có thẩm quyền khi làm việc trực tiếp và có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Không bật chế độ cài đặt các ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại di động hoặc cài đặt các ứng dụng, phần mềm không rõ nguồn gốc có nguy cơ mất an toàn thông tin. Tuyệt đối không cấp quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn, định vị, thư mục ảnh cho các ứng dụng lạ, không chính thống. Chỉ đăng ký mở tài khoản ngân hàng, cung cấp các thông tin cá nhân, hình ảnh để thực hiện “sinh trắc học” tại các chi nhánh ngân hàng.