Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện chủ đề năm 2024 là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội”, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo đưa CNTT vào ứng dụng trong các hoạt động của hội và phong trào phụ nữ.

Đặc biệt, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn, cán bộ, hội viên (HV) đã từng bước khắc phục hạn chế, tham gia ứng dụng CNTT với những việc làm cụ thể, thiết thực như: Sử dụng các phần mềm, ứng dụng trong công tác chuyên môn; tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến...

Chi hội phụ nữ thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến (Bác Ái) hiện có 60 HV, trong đó có trên 40 HV đang sinh hoạt thường xuyên, số còn lại đi làm ăn xa. Trước đây, khi chưa ứng dụng CNTT, mỗi lần sinh hoạt, cán bộ hội phải gọi điện thoại hoặc đến từng nhà để thông báo cho từng người nên rất mất thời gian. Nhưng từ khi Hội LHPN huyện đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng cách thành lập các trang, nhóm trên Zalo, Facebook kết nối. Nhờ vậy, công tác tập hợp HV trở nên thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm hơn. Chị Pi Năng Thị Thuýnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Trà Co 1 cho biết: Về cơ bản, các HV phụ nữ thôn đều có điện thoại thông minh. Nên chúng tôi đã xây dựng một nhóm Facebook riêng cho cán bộ, HV. Chỉ cần nhắn tin lên nhóm nội dung, kế hoạch tổ chức sinh hoạt thì HV có thể nắm bắt và tham gia được ngay. Chính vì vậy mà tỷ lệ tập hợp HV tại thôn luôn đạt trên 60%. Tranh thủ các dịp sinh hoạt này, chi hội cũng hướng dẫn cho HV cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng thanh toán trực tuyến, sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách an toàn, hiệu quả; tham gia cài đặt VNeID, VssID trên điện thoại...

 Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Tiến (Bác Ái) hướng dẫn hội viên sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tương tự, Hội LHPN xã Phước Trung (Bác Ái) cũng chủ động ứng dụng CNTT trong công tác thông tin, tuyên truyền cho HV về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các cuộc vận động, phong trào, hoạt động hội. Chị Chamaléa Thị Lỵ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Trung cho biết: Hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động HV được Hội LHPN xã đặc biệt quan tâm, tập trung vào chủ đề trọng điểm của tháng, quý hay những vấn đề nóng cấp thiết trong xã hội để kịp thời nắm bắt dư luận trong HV, từ đó có những giải pháp hữu hiệu trong việc tuyên truyền đúng và đủ. Bên cạnh những hình thức tuyên truyền cũ, hội đã ứng dụng CNTT trong đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền bằng những phần mềm hiện đại, như: PowerPoint; Canva. Điểm sáng trong thời gian qua, nhờ việc ứng dụng CNTT một cách hiệu quả và bài bản mà việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều thuận lợi, trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN thực hiện. Các thông tin, nội dung dự án được truyền tải bằng hình ảnh, video sinh động, trực quan, tạo được sự chú ý, dễ nhớ, dễ hiểu trong HV. Thông qua đó mà khi thành lập, duy trì các tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự đổi mới” thuộc Dự án 8 luôn được HV và các tầng lớp nhân dân đón nhận nhiệt tình, tạo niềm tin và sự háo hức mỗi lần tham gia.

Không chỉ trong công tác chuyên môn, việc ứng dụng CNTT còn được HV áp dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế bằng cách bán hàng trực tuyến, điển hình có chị Katơr Thị Giang, ở thôn Gia É, xã Phước Bình (Bác Ái). Với lợi thế địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù, thời gian qua, chị đã sử dụng các trang mạng xã hội là Facebook và Zalo để đăng tải các sản phẩm như: Nấm linh chi, mật ong rừng, chuối hột mồ côi, cây giống, gà thả vườn nhằm thu hút người mua hàng. Chị Giang chia sẻ: Mình thấy bán hàng trực tuyến rất là tiện lợi, vì không phải mất thời gian đem ra chợ bán, cái tiện lợi hơn nữa là mình có thể bán hàng cho rất nhiều khách ở xa, có những khách hàng tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Để khách hàng quan tâm, mình chú trọng đăng tải các hình ảnh sản phẩm đẹp mắt, chân thực, tạo được sự gần gũi, thiện cảm cho người xem. Trung bình mỗi tuần mình bán được 500-700kg nông sản, cho lợi nhuận hơn 3 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ việc kinh doanh trên, nhiều chị em phụ nữ cũng đến học hỏi, làm theo và cho nguồn thu nhập ổn định.

Từ thực tiễn cho thấy, việc cán bộ, HV vùng đồng bào DTTS tích cực ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội. Đồng thời, giúp chị em HV tự tin hơn trong tiếp cận với công nghệ số, phát triển các hoạt động chuyển đổi số, nắm bắt thông tin nhanh chóng, dễ dàng, nâng cao hiểu biết và năng lực của bản thân, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Ninh Thuận thời đại mới tự tin và năng động.