Tùy bút:

Món quà sinh nhật

Từ Cà Mau khi được biết là Đoàn sẽ ghé thăm Bến Tre, lòng tôi trào dâng niềm vui sướng khôn tả. Cứ thầm mong ngày nhanh tới để tôi được ngắm nhìn chốn cũ, nơi ấy biết bao nỗi niềm riêng mà lâu nay tôi đang cất giữ trong lòng.

                                         Cám ơn lãnh đạo Báo Ninh Thuận đã cho tôi một chuyến đi Miền Tây nhiều kỷ niệm đẹp.

(NTO) Đã hơn 20 năm trôi qua tôi mới có dịp quay lại chỗ này, giờ đã khác xưa nhiều quá…ký ức hiện về trong tôi như là mới hôm qua. Nó cứ âm thầm len chảy trong mắt tôi mỗi khi tôi dõi nhìn về phương ấy.

Đâu rồi … những con đường thân thuộc tỏa ra các hướng trong thị xã. Đâu rồi … chiếc tàu mang biệt danh “nhà hàng nổi” bên cạnh bờ sông mà nó ngự trị trong tuổi thơ tôi bằng những ánh hào quang lấp lánh và choáng ngợp nhất. Đâu rồi … những chiếc ghế đá để dọc hàng cây xà cừ trải dài suốt tuyến phố, để rồi mỗi khi chiều về tôi cứ ngồi lặng nhìn theo con nước ròng, nước lớn… dập dềnh những cánh lục bình trôi và nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả đổ từng hồi.

Đâu rồi chiếc cầu Cái Cối ngày xưa của tuổi thơ mình đã đi qua? Bây giờ người ta biến nó thành chiếc cầu bê tông hiện đại, sừng sững giữa dòng sông. Chiếc cầu gỗ cũ mèm, thân quen ấy, trong tâm tưởng tôi là điểm nối giữa hai bờ. Bên này là bên bồi thuộc xã Mỹ Thạnh An, có những khu vườn trĩu quả, những mái nhà rợp mát bóng dừa, êm ả như lời ru. Bên kia là thị xã Bến Tre ồn ào, với một khu chợ sầm uất, đông đúc người và xe cộ qua lại. Dọc theo bến sông bên lở là khu chợ nổi, ghe thuyền ra vào tấp nập, họ trao đổi hàng hóa với nhau bằng phương tiện rất đổi đặc trưng của miền sông nước.

Cảnh vật đã đổi thay không ít, nhìn qua bên kia sông thấy nhiều ngôi nhà mới mọc lên, sang trọng và kiểu cách. Dõi tìm cái bến nhỏ có ông Hai chèo đò mà chúng tôi thường tắm và ngụp lặn ngày xưa, nhưng không còn nữa, giờ đây người ta đã tận dụng những tấc đất cuối cùng để làm dịch vụ và kinh doanh. Thi thoảng rất lâu mới thấy một người chèo đò bằng tay, bây giờ họ toàn di chuyển bằng ghe máy mà ta thường gọi là “vỏ lãi ”. Duy giòng sông thì vẫn thế, vẫn âm thầm chảy mãi, chở những lớp phù sa bồi đắp cho bờ, giờ đây trông có vẻ hiền hòa, đằm thắm lạ! Thưở ấy, chúng tôi tắm sông thường thách đố nhau, một nhóm khoảng 2-3 đứa, nhóm nào bơi qua bờ bên kia trước thì được thưởng một chầu “ chuối xào nước cốt dừa”. Thường là nhóm tôi thua trận, có lần tôi bơi bị đuối sức may là nhờ bụi dừa nước trôi vật vờ giữa dòng nên tôi mới còn ngồi đây để viết lại những dòng tạp bút chất chứa nhiều kỷ niệm này.

Kể từ hôm đó, cả bọn chúng tôi không ai dám hé răng nói với người lớn về câu chuyện bơi qua sông và không ai dám liều lĩnh như trước nữa. Chúng tôi đằm tính hơn và chuyển sang một thú vui khác là đi câu. Đi câu trước hết phải tập tính kiên nhẫn và phán đoán, thường thì câu tép và cá bống dừa là nhiều, mồi câu là trứng kiến. Hể câu được bao nhiêu là dồn hết cho một đứa, cứ thế xoay vòng cho đến lượt mình. Đứa nào câu được cá ít nhất là phải đi bắt trứng kiến, đi bắt thường bị kiến cắn đau, là nỗi sợ hãi của nhiều người cho nên có vài lần cá quá ít phải đi câu trộm trong ao nuôi nhà người ta, bị rượt đuổi chạy quăng mất cả cần câu, cả giỏ cá.

Muốn đi câu trong miệt vườn, chúng tôi phải chịu khó lượm những tán lá dừa rụng hoặc trái dừa khô rụng gom lại một chỗ cho chủ vườn, rồi báo cho họ biết. Có lần chúng tôi mừng như bắt được vàng khi phát hiện chủ vườn dú cả chục quầy chuối tận sâu trong một góc khuất đã đến thời kỳ bán. Chúng tôi lôi ra quầy ngon nhất, rồi cứ tì tì ngồi ăn cho đến khi cành bụng mới thôi, vỏ chuối lột ra chất đầy một đống chỉ còn trơ trọi cùi xung quanh quầy, chúng tôi đếm được tất cả là bảy nải, ăn xong, chúng tôi giấu tang vật trong đống vỏ dừa rồi cùng nhau ôm bụng cười lăn. Đó là kỷ lục ăn chuối của chúng tôi và cũng là món ngon nhất trên đời mà tuổi thơ chúng tôi nếm được.

Lắm lúc chúng tôi trở nên ngoan lạ, cả nhóm trai có, gái có nằm dài trên cỏ ngữa mặt nhìn trời xanh qua những tán lá dừa rồi ước muốn đủ thứ. Những mơ ước dung dị nhất, bình thường nhất…Đứa này ước khi lớn mình sẽ có mái tóc thật đẹp, vì tóc của nó xấu lắm, đi nắng không khi nào đội nón, đã vậy hở một tý là lao mình xuống sông tắm, không kể nước sạch hay nước đang ròng toàn là phù sa đục ngầu. Đứa kia ước sao cho bà Ngoại nó đừng chết để làm món cá Linh nấu canh chua với bông so đũa mà nó ưa thích. Tôi nhớ gần đến ngày sinh nhật mình, ước gì tôi có một chiếc đồng hồ Seiko mới mặt màu xanh nước biển, mà tôi thấy thấp thoáng đâu đó trong một cửa hiệu trên phố. Cả bọn lặng đi, không ai nói với ai câu nào…không ai dám ước ao cái điều quá lớn, bởi vì hình ảnh đó thật xa vời đối với cả bọn, rồi tôi cũng quên luôn cái khát khao không tưởng đó.

Đến trưa mai - thường thì chúng tôi lén tụ tập vào buổi trưa lúc mọi người đã ngủ, khi tôi vừa đặt chân đến nơi quen thuộc thì thấy đầy đủ tụi nó ở đó rồi, đứa nào cũng cầm sẵn trên tay một món quà, rồi ngập ngừng… nói với tôi: Tụi tao tặng sinh nhật mày! Đứa thì đồng hồ, đứa thì nhẫn, đứa thì dây chuyền nhưng tất cả được tết bằng những chiếc lá dừa thật đẹp, xanh ngắt như ánh mắt của tuổi mới lớn. Đẹp nhất là chiếc đồng hồ, mặt đồng hồ hình vuông, có đầy đủ kim giờ, kim phút được gắn bằng cọng dừa vuốt nhọn. Mặt đồng hồ được dán bởi một miếng kính được gọt dũa vừa khít, dây đồng hồ được thắt bằng những vòng xoắn thật đều và đẹp, lúc đó kim đồng hồ chỉ đúng 12giờ 15 phút. Đứa thì đeo nhẫn vào tay tôi, đứa đeo dây chuyền vào cổ tôi, đứa bạn thân nhất đeo vào tay tôi chiếc đồng hồ. Nó vừa vặn làm sao!

Tôi quá xúc động, không nói nên lời, đấy là món quà chứa đựng nhiều tình cảm sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận được từ lúc đó cho đến cuối cuộc đời. Bây giờ, mừng sinh nhật cho nhau - người được tặng chỉ nhận tiền hoặc quà mua từ trong các cửa hiệu, chứ còn ai bỏ công sức làm nên những vật phẩm mang giá trị tinh thần như thế không? Chỉ tiếc là qua bao biến cố, thời gian, kỷ vật ấy không còn nữa nhưng ý nghĩa của món quà tặng đó tôi hiểu rằng ít có cái gì sánh nổi.

Hiện nay, những tặng phẩm hầu hết nhờ máy móc sáng chế ra thành nhiều loại phù hợp với xu hướng của thời đại, người ta chỉ bỏ tiền ra là có. Với tôi, giờ đây mọi thứ dường như đã đủ đầy, nhưng kỷ vật của các bạn ngày xưa tặng tôi, nó luôn hiện hữu trong tiềm thức và không thể nào quên được.

Tình bạn thơ ngây ấy đã theo tôi suốt cả chặng đường dài, có người đã đi qua nửa vòng trái đất, ai còn? ai mất? nhưng trong tôi mỗi khi nhớ về mảnh đất mình đã từng lưu lại, lòng tôi không khỏi bùi ngùi…