Đồng chí Lê Quyện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn vùng đồng bào DTTS. Nội dung chú trọng vào các lĩnh vực như: Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bình đẳng giới; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc... Đáng chú ý, việc tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và dễ tiếp cận như: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, tờ gấp, thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhóm Facebook, Zalo; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Qua đó, đưa pháp luật đến gần hơn với bà con đồng bào DTTS.
Cán bộ thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến (Bác Ái) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Trở thành thông lệ, ngày đầu hằng tháng, bà con thôn Trò Co 1, xã Phước Tiến (Bác Ái) lại tạm gác công việc đồng áng để tập trung tại trụ sở thôn cùng tham gia sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh trao đổi việc thôn, đội ngũ cán bộ cơ sở còn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật một cách bài bản, sinh động thông qua hình ảnh, tờ rơi, video. Tham gia sinh hoạt, chị Pi Năng Thị Đống, chia sẻ: Tìm hiểu Luật Hôn nhân gia đình, trong đó có nội dung về cấm việc thanh niên không được kết hôn khi chưa đúng độ tuổi. Qua giải thích của cán bộ thôn, tôi hiểu đây là hành vi vi phạm pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nhận thức được vấn đề này, tôi sẽ truyền đạt, khuyên nhủ con, cháu chăm lo học tập và lao động, góp một phần công sức xây dựng quê hương. Khi nào mà nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì mới lập gia đình.
Ông Pi Năng Tiếu, Bí thư Chi bộ thôn Trà Co 1, chia sẻ: Thực tế, nhận thức và trình độ bà con đồng bào Raglai nơi đây tương đối thấp, do đó khi truyền tải bất cứ văn bản pháp luật nào chúng tôi đều chọn lọc những nội dung cụ thể và dễ hiểu nhất; đồng thời, liên hệ thực tế từng trường hợp, ví dụ minh họa để bà con nắm bắt. Trong đó, tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc cần giải quyết, như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới. Ngoài sinh hoạt cố định tại thôn, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng tích cực tham gia PBGDPL thông qua việc tuyên truyền miệng; các buổi hòa giải tại cơ sở; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... Nhờ vậy, bà con tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, không vi phạm pháp luật, các hủ tục được bài trừ, góp phần xây dựng quê hương ngày một văn minh, hạnh phúc hơn.
Cùng với đó, các địa phương, hội, đoàn thể vùng DTTS đã xây dựng và duy duy trì hiệu quả tổ hòa giải ở các thôn, câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, các tổ truyền thông cộng đồng; mô hình dòng họ tự quản, khu dân cư tự quản về an ninh trật tự; phát huy vai trò, tiếng nói của đội ngũ người có uy tín, trưởng tộc họ. Nhờ vậy mà người dân không chỉ được tăng cường sự hiểu biết cần thiết mà còn từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chấp hành và nhắc nhở nhau không vi phạm pháp luật, không để kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi trái pháp luật cũng như góp sức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Để công tác tuyên truyền, PBGDPL sâu rộng và hiệu quả tới từng người dân, từng thôn, xóm vùng đồng bào DTTS, đồng chí Lê Quyện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: Thời gian tới, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín trong tham gia tuyên truyền, vận động. Xây dựng, nhân rộng các mô hình trong thực hiện hiệu quả trong việc PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mạng xã hội và các nền tảng số khác.
Lê Thi