Thuận Bắc là huyện miền núi, với gần 70% dân số là đồng bào DTTS sinh sống. Nhằm đẩy nhanh thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn, dựa trên cơ sở nội dung và các quy định đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ đầu tư của chương trình, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để làm cơ sở giải ngân phù hợp, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn từ dự án đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chị Thị Dằn, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, phấn khởi: Được Nhà nước hỗ trợ 5 con dê sinh sản và cùng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đầu tư cải tạo đất trồng cỏ, làm chuồng trại bài bản; nhờ đó, đàn dê sinh sản nhanh, giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thuận Bắc đầu tư phát triển sản xuất.
Tổng vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giao cho huyện Thuận Bắc trong năm 2024 là 31.322 triệu đồng, kết quả giải ngân từ đầu năm tới nay đạt khoảng 60% kế hoạch. Đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thuận Bắc, nhìn nhận: Tác động từ chương trình hỗ trợ góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống của vùng đồng bào, nổi bật nhất là các dự án đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng, duy tu, sửa chữa công trình đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nhà văn hóa, công trình hệ thống thoát nước, nâng cấp hạng mục trường lớp...
Tổng vốn phân bổ thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 trên 480.792,10 triệu đồng, bao gồm vốn năm 2023 chuyển sang; trong đó, vốn đầu tư phát triển 3.677,43 triệu đồng; vốn sự nghiệp 137.813,67 triệu đồng để thực hiện các dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... Qua rà soát, tính đến tháng 6/2024 đã tổ chức giải ngân đạt 27,08% kế hoạch.
Đồng chí Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được thực hiện thường xuyên, liên tục; đồng thời, với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và địa phương nên nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ trong thời gian qua. Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế thực hiện chương trình chưa cụ thể, nhất là quy định đối tượng, định mức chi, thủ tục thanh quyết toán; quá trình huy động nguồn lực hạn chế... Do đó, tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình còn chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN từ nay đến cuối năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục rà soát các điểm nghẽn, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các chính sách không còn phù hợp đảm bảo tính thống nhất, làm cơ sở đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, đề xuất, kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác huy động vốn và thực hiện lồng ghép vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Hồng Lâm