Theo đề xuất của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn bao gồm các dự án thành phần: Thủy điện tích năng công suất 1.440 MW (6 tổ máy); dự án điện mặt trời 3.500 MWp và hệ thống pin lưu trữ (BESS) 350 MW. Quy mô, công suất tương đương 1.200 MW, sản lượng điện 5,87 tỷ kWh/năm. Dự kiến tổng mức đầu tư 3,98 tỷ USD với nhu cầu sử dụng đất khoảng 184,2 ha cho thủy điện tích năng và 2.000 ha đất cho điện mặt trời. Thời gian triển khai dự án từ năm 2026, đưa vào vận hành cuối năm 2030. Sử dụng công nghệ tiên tiến về pin lưu trữ, thủy điện tích năng để đưa điện mặt trời có mức độ ổn định thấp thành nguồn cung cấp điện tin cậy, linh hoạt; hiện thực hóa mô hình phát triển điện mặt trời “tự sản, tự tiêu” tại Ninh Thuận. Qua đó, nhằm khai thác tiềm năng phát triển, đáp ứng mục tiêu đưa Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao năng lực, ý tưởng đề xuất của đơn vị chủ đầu tư đối với dự án, phù hợp định hướng phát triển của tỉnh, phát huy lợi thế của địa phương. Tỉnh đồng thuận và tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện các bước lập hồ sơ dự án. Đề nghị chủ đầu tư phát huy năng lực, kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ của tỉnh chủ động triển khai sớm các thủ tục đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án tới các bộ, ngành trung ương phê duyệt triển khai. Quá trình lập hồ sơ, cần xem xét đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để có quỹ đất thực hiện dự án; điều chỉnh diện tích phù hợp đối với đề xuất thuộc dự án điện mặt trời để tiết kiệm quỹ đất. Các thủ tục đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng các cơ sở pháp lý về đất đai, quy hoạch, lộ trình; có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình các cấp phê duyệt để dự án thành hiện thực và mang lại hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Anh Tuấn