Đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm

Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về danh mục công trình trọng điểm năm 2024 gồm 4 công trình nhằm đôn đốc thực hiện nhanh, hiệu quả, chất lượng đối với các công trình, dự án. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn, các công trình vẫn đang triển khai chậm so với tiến độ đề ra.

Một trong những dự án trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng, mở ra triển vọng giao thương đi lại thuận lợi từ khu vực kinh tế phía Nam của tỉnh với các tỉnh Nam Tây Nguyên đó là Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tổng mức đầu tư 1.494,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022-2025. Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 giao cho dự án 1.310 tỷ đồng bao gồm cả vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tổng vốn đã bố trí kế hoạch năm 1.245 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân được 950,654 tỷ đồng. Riêng giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 đạt 75,654 tỷ đồng, tương đương 20,4% kế hoạch. Theo đơn vị chủ đầu tư, dự án đã thi công hoàn thành dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận dài 22,3km. Đối với dự án thành phần 2 - đường từ xã Ma Nới đi ngã tư Tà Năng huyện Đức Trọng (40,14km), hiện các nhà thầu đang tập trung tổ chức triển khai thi công đối với các phân đoạn đã có mặt bằng đối với 8km trong tổng số 23,1km trên địa bàn tỉnh và 15km/17,1km trên địa phận tỉnh Lâm Đồng. Một trong những khó khăn từ trước đến nay về công tác lập hồ sơ chuyển đổi đất rừng đang được các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp tháo gỡ. Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Nguyên nhân giải ngân thấp và dự án bị chậm so với kế hoạch là do công tác chuyển đổi rừng. Từ tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét giải quyết và chấp thuận cho chuyển đổi và đã giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận là cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, công tác lập phê duyệt hệ số giá đất trên địa bàn huyện Đức Trọng chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở áp giá bồi thường. Do đó chúng tôi đang tăng cường công tác phối hợp để sớm có mặt bằng sạch, đẩy nhanh các giải pháp thi công hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục tại hồ điều hòa trung tâm. Ảnh: T.D

Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là dự án trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư lớn 2.253 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian thực hiện từ năm 2018 đến hết tháng 6/2024. Theo kế hoạch năm 2024 dự án được bố trí 441,020 tỷ đồng. Với tinh thần tăng tốc, khắc phục khó khăn từ giải phóng mặt bằng, các giải pháp thi công, đến cuối tháng 6/2024 dự án đã giải ngân được 1.810,765 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn nước rút, hoàn thiện các công đoạn thủ tục cuối để chính thức đóng dự án. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh cho biết: Dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chủ yếu thực hiện các gói thầu kênh mương, hệ thống xử lý nước thải trong thành phố, tập trung đông dân cư; việc xử lý nền đất yếu, không làm ảnh hưởng đến nhà dân ở sát hai bên là rất khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm cao và các giải phải pháp thi công, áp dụng công nghệ đóng cọc sắt gia cố nền bằng rô-bốt; thi công đồng thời các hạn mục, gói thầu, tăng ca làm việc liên tục nên đến nay cơ bản dự án đã kịp về đích đúng như cam kết. Đến nay, trong tổng số 48 gói thầu, đã hoàn thành 34 gói (trong đó có 7 gói xây lắp và 27 gói tư vấn). Trong số 13 gói xây lắp, nhiều gói đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, từng bước làm thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị như: Nhà vệ sinh công cộng và trường học, kênh Chà Là, kênh Nhị Phước; Khu tái định cư Phan Đăng Lưu và Hẻm 150; kênh Đông Nam; đường Huỳnh Thúc Kháng; kênh Chà Là; kênh Tấn Tài. Các gói thầu còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện đạt gần 90% và hiện đã đấu nối nước thải đạt trên 12.550 đấu nối đạt 83%.

Trong số các dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành được tỉnh chỉ đạo quyết liệt có Dự án đường giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng tổng hợp Cà Ná. Dự án có tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng; tổng chiều dài tuyến 14,8km, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 - đoạn nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 dài khoảng 10,14km, đã thi công 66% giá trị hợp đồng. Dự án thành phần 2 - đoạn từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh giới (đầu) Khu công nghiệp Cà Ná dài khoảng 4,66km được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà tài trợ (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam) 213,958 tỷ đồng và ngân sách địa phương 37,762 tỷ đồng. Hiện đã triển khai phát quang và đào bóc phong hóa nền đường, chiều dài thi công khoảng 1,4km. Tuy nhiên gặp khó khăn về nguồn vốn dự án đang bị đình trệ. Qua kiểm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ; đồng thời kiến nghị trung ương điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn trung hạn để bố trí vốn theo quy định Luật Đầu tư công.

Hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) đang trong giai đoạn thi công.

Khó khăn nhất hiện nay là Dự án kênh đường ống cấp II, III thuộc hệ thống thủy lợi Sông Cái - Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 366,187 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, dự án chưa triển khai thi công do chưa có mặt bằng. Hiện nay, UBND các huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc đã ban hành thông báo thu hồi đất 1.055 hộ, tiến hành kiểm kê và thực hiện các thủ tục bồi thường. Theo đơn vị chủ đầu tư, dự án có mặt bằng qua nhiều địa phương, mất nhiều thời gian để giải quyết, trong đó huyện Ninh Sơn có 24ha chưa đưa vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và chưa có trong danh mục thu hồi đất năm 2024, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Nhằm thực hiện các dự án trọng điểm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp, triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo từ nay đến cuối năm phải giải ngân hết 100% nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục duy trì 12 tổ công tác do thành viên UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế tại 4 công trình trọng điểm của tỉnh, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án; định kỳ họp đánh giá, đôn đốc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.