6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 20,92 tỷ USD.
Tăng mạnh cả sản xuất và xuất khẩu
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước hoàn toàn có khả năng đạt 54-55 tỷ USD. Hiện đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, là: cà-phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, gạo và hạt điều đạt mức tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), trị giá 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều đạt 350.000 tấn (tăng 24,9%), trị giá 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng cà-phê, tuy giảm 10,5% về khối lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng đến 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6%. Với kết quả đó, 6 tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng đã đạt thặng dư thương mại cao, như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,16 tỷ USD, tăng 22,5%; cà-phê đạt 3,14 tỷ USD, tăng 36,2%; rau quả đạt 2,42 tỷ USD, tăng 35,3%; gạo đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27%; tôm đạt 1,43 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Sơ chế dứa phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). (Ảnh Đức Khánh)
Về thị trường, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; châu Phi đạt 565 triệu USD, tăng 17,1%; châu Á đạt 13,9 tỷ USD, tăng 17,8%; châu Âu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8%; và châu Đại Dương đạt 405 triệu USD, tăng 18,2%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Không chỉ xuất khẩu, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng của toàn ngành và khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa và được cả giá. Điều này thể hiện ở chỗ trong khi sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng thì đồng thời giá bán cũng ở mức cao. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hằng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.
Hiện ngành hàng rau quả đang giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được một phần lớn nhờ sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm đạt khá, trong đó riêng sản lượng sầu riêng ước đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; cây ăn quả khác như ổi, mít, chanh leo, nhãn sản lượng cũng tăng khoảng 3-6%. Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 4,39 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt khoảng 2,44 triệu tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1,95 triệu tấn, tăng 1,0%. Đây chính là nguồn nguyên liệu lớn và phong phú phục vụ xuất khẩu, giúp ngành thủy sản đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, xuất khẩu cá tra mang về 922 triệu USD, tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng tốc nửa cuối năm
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả có nhiều khả năng đạt mốc 7 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, riêng 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả có nhiều khả năng đạt mốc 7 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, riêng 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt trong năm 2024. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã thống nhất ký kết Nghị định thư về dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam. Hiện nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan thời gian tới.
Không chỉ rau quả, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cũng có nhiều triển vọng dịp cuối năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ quý III/2024 để phục vụ giai đoạn Lễ Quốc khánh và Tết Trung thu, từ ngày 17/9-7/10. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc có khả năng sẽ tăng trong giai đoạn này. Với sản phẩm cá tra, thị trường Trung Quốc cũng đang phục hồi mạnh mẽ với nhu cầu cao và giá cả ổn định.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: Minh Phú đang chủ trương chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc - một thị trường đông dân và có sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Minh Phú định hướng sẽ tăng bán hàng vào thị trường tiềm năng Trung Quốc lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong tương lai. Nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc và quốc tế, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng giá tôm Ecuador; phấn đấu đến năm 2035, Minh Phú tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.
Ngoài thị trường chính Trung Quốc, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm khác như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2024.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nhu cầu nhập khẩu nông sản như gạo, rau quả của thế giới ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia vì bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động đàm phán, trong đó chú trọng công tác phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, kiểm dịch động-thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.
Theo nhandan.vn