Ngày 1/7 ra mắt lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày 1/7, Bộ Công an tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Trong đó, 12 địa phương được lựa chọn làm điểm tổ chức lễ, gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Cà Mau.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.

Theo Bộ Công an, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Theo quy định tại Điều 3 của Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm 6 nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Có 4 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó có việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

Tiêu chuẩn để tham gia lực lượng gồm người từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã; có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục Trung học Cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Về hỗ trợ, bồi dưỡng, thực hiện Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ, thực hiện Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo TTXVN