Cần chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu

Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 CMND, mỗi hộ gia đình chỉ được sở hữu 1 SHK. Hai loại giấy tờ này cần phải được sử dụng đúng mục đích theo qui định của pháp luật.

(NTO) Chứng minh nhân dân (CMND) là loại giấy tờ quan trọng của công dân, do cơ quan công an có thẩm quyền cấp nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong lãnh thổ Việt Nam. Sổ Hộ khẩu (SHK) có giá trị xác định nơi thường trú của các thành viên trong một hộ gia đình. Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 CMND, mỗi hộ gia đình chỉ được sở hữu 1 SHK. Hai loại giấy tờ này cần phải được sử dụng đúng mục đích theo qui định của pháp luật.

Cầm cố CMND, SHK…

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Thiếu tá Trần Văn Cầu, Phó trưởng Công an phường Đông Hải. cho biết, vào mùa biển động, một số người không đi biển, đồng nghĩa với việc không tiền tiêu nên đánh liều đem thế chấp CMND, SHK lấy vài trăm ngàn tiêu xài mà không nghĩ đến chuyện vi phạm pháp luật, thậm chỉ sau đó bỏ luôn không chuộc lại và làm đơn báo mất xin cấp lại.

Hiện nay, người dân được tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc cấp mới, cấp đổi và cấp lại CMND, SHK. Chỉ cần một thời gian ngắn, với lệ phí khoảng 15.000đồng là đã có các loại giấy tờ trên. Trong khi đó, tiền thế chấp SHK có đến vài trăm ngàn đồng; CMND khoảng một trăm ngàn đồng. Do vậy, một số người dân do thấy việc làm lại các giấy tờ này tương đối dễ dàng nên cố tình vi phạm pháp luật. Mặt khác, theo quy định của Luật Cư trú và Nghị định 05 của Chính phủ, khi người dân mất hai loại giấy tờ trên phải nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi cư trú và đề nghị xin cấp lại. Chỉ cần làm đơn xin cấp lại có xác nhận của công an nơi cư trú là đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng cấp mới theo yêu cầu. Chính sự “thông thoáng” ấy đã trở thành kẽ hở để một số người lợi dụng.

Theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính Phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, quy định: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy CMND; Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giấy CMND để thế chấp với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Mức phạt cũng tương tự nếu sử dụng SHK vào mục đích trái pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ quan chức năng chưa xử phạt được trường hợp nào về những hành vi vi phạm nêu trên.

Cần có chế tài xử lý

Sự “thông thoáng” của các quy định trong lĩnh vực cấp phát CMND, SHK đã tạo kẽ hở cho một số người có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ANTT là điều mà các cơ quan luật pháp cần phải lưu tâm. Để chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng CMND, SHK, cơ quan thẩm quyền cần có quy định xử phạt cụ thể đối với những trường hợp xin cấp lại nhiều lần, với bất cứ lý do nào để người dân nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn giấy tờ tùy thân, hạn chế tối đa việc làm mất mát, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải cho lực lượng quản lý hành chính về TTXH, quan trọng hơn là ngăn chặn việc cầm cố, thế chấp và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến giấy tờ tùy thân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; lực lượng công an tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở cầm đồ và khi phát hiện trường hợp sai phạm thì xử lý theo đúng pháp luật.