Bệnh than hoành hành nhiều tỉnh phía Bắc

Gần đây liên tục xảy ra các trường hợp mắc bệnh than (nhiệt thán) tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… Nguyên nhân là do thói quen ăn uống không hợp vệ sinh của nhiều người dân, đã giết thịt và sử dụng thịt từ gia súc bị bệnh.

Diễn biến phức tạp

Tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, bệnh nhiệt thán trên trâu bò bùng phát tại 2 bản Nậm Mu, Noong Luống của xã Phình Sáng. Chủ hộ có trâu nhiễm bệnh đã mổ thịt 2 con và chia cho bà con trong bản cùng ăn, sau đó bán 9 con đã mắc bệnh cho các lái trâu mổ thịt, bán ra thị trường làm lây mầm bệnh sang người ở 2 bản trên và bản Bon A gần đó.

Sau khi phát hiện dịch bệnh, lực lượng y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương tăng cường rà soát, phát hiện số trường hợp mắc bệnh và tiến hành điều trị nội trú và điều trị cho bệnh nhân ngay tại nhà; đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh trên người tại địa phương xảy ra dịch bệnh.

Bác sĩ TT Y tế huyện Than Uyên thăm khám cho bệnh nhân

Còn tại huyện Than Uyên, Lai Châu, sau khi tiếp nhận 2 ca nghi mắc bệnh than, Trung tâm y tế huyện Than Uyên đã cử cán bộ điều tra, xác minh dịch tại bản Nam, xã Ta Gia phát hiện thêm 8 người mắc bệnh. Trong đó, 4 người lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh than. Sau đó bệnh than tiếp tục lan rộng, đã phát hiện thêm 2 người mắc bệnh than tại bản Đông (xã Mường Than) và khu 9 (thị trấn Than Uyên), trong đó 1 trường hợp có biến chứng nặng đã tử vong vào ngày 25-6.

Có mặt tại Phòng cách ly – Trung tâm y tế huyện Than Uyên, trong tâm trạng lo âu, mẹ của bệnh nhân Lường Quang Huy, 3 tuổi ở bản On xã Khoen On, Than Uyên, Lai Châu chia sẻ: “Sau khi mua thịt trâu về cho cháu ăn thì 3 ngày sau trên má phải của cháu xuất hiện nốt thâm đen. Do chủ quan, nghĩ cháu bị ngã nên gia đình không đưa đi khám, may mà có cán bộ y tế xã đến khám, phát hiện gia đình mới biết cháu bị bệnh than nên đã đưa đến trung tâm để điều trị kịp thời”.

Theo như lời kể của ông Trần Văn Viên – Trưởng Trạm thú y huyện Than Uyên: “Do kiến thức phòng chống bệnh than của nhân dân hạn chế, chưa tự giác chấp hành việc khai báo, tiêu hủy súc vật mắc bệnh chết; việc xử lý môi trường ô nhiễm mầm bệnh, xác súc vật chết gặp nhiều khó khăn trong khi bào tử bệnh than đã phát tán, lưu hành nhiều năm trong môi trường là cơ hội để bệnh than phát tán”. 

Bao vây, khống chế, ngăn chặn dịch

Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị Thủy – cán bộ Đội y tế dự phòng, Trung tâm y tế huyện Than Uyên, Lai Châu, cho biết họ đã phối hợp với Trạm Thú y huyện, y tế thôn bản thành lập các tổ xác minh nguyên nhân gây bệnh, khoanh vùng, phun hóa chất xử lý môi trường tại khu vực mổ và chế biến gia súc, nơi nghi ngờ ổ nhiễm mầm bệnh. 

Đến nay, 11 bệnh nhân đã được điều trị và hồi phục trở về nhà; 11 bệnh nhân đang được điều trị, hiện tại sức khỏe diễn biến tốt. Trung tâm y tế huyện Than Uyên phải sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ giám sát, điều tra dịch tễ, phát hiện điều trị bệnh nhân. Trạm Thú y, Đội Quản lý thị trường của huyện tăng cường hoạt động tại chốt kiểm dịch động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm từ gia súc.

Theo ông Lê Trọng Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, sau khi phát hiện dịch bệnh, lực lượng y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương tăng cường rà soát, phát hiện số trường hợp mắc bệnh và tiến hành điều trị nội trú và điều trị cho bệnh nhân ngay tại nhà; đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh trên người tại địa phương xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên, bất chấp mối nguy hiểm, một số cơ sở giết mổ, kinh doanh và hộ gia đình (bản Nà Hỳ xã Ta Gia và bản On xã Khoen On của huyện Than Uyên, Lai Châu) vẫn tiếp tục giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến và ăn thịt súc vật ốm hoặc chết. 

Trước tình hình đó, để chủ động phòng chống dịch, bệnh, UBND huyện Than Uyên đã có chỉ thị yêu cầu tạm đình chỉ trên địa bàn toàn huyện đối với tất cả các hành vi giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gia súc và thực phẩm có nguồn gốc từ trâu, bò, ngựa (kể cả khi con vật đang khỏe mạnh) và lợn, chó, mèo có biểu hiện bị ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc kể từ ngày 27-7-2011 đến khi có Văn bản công bố hết dịch của UBND huyện.

Cục Y tế dự phòng vừa có công điện gửi Sở Y tế Lai Châu đề nghị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm trực khuẩn than sang người.

Theo đó, ngành y tế tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát bệnh than trên động vật, xử lý triệt để, kịp thời ổ dịch; tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng lây nhiễm trực khuẩn than sang người tại những khu vực có động vật ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. 

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý triệt để ổ dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với các mô của động vật chết vì mắc bệnh than hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

H.H

Nguồn www.nld.com.vn