Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hiện đại hóa trong khám, chữa bệnh

Trong thời gian qua, cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ CKII. Lê Huy Thạch, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Thời gian qua, bệnh viện thực hiện tốt phương châm “Lấy sự hài lòng, an toàn của bệnh nhân làm mục tiêu điều trị”. Đến nay, đơn vị có 1.134 y, bác sĩ, người lao động. Hầu hết đội ngũ y, bác sĩ đều có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tâm huyết với nghề, nhiệt tình phục vụ, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh kịp thời, qua cơn nguy kịch, giành lại sự sống. Đặc biệt được sự quan tâm của tỉnh, BVĐK tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, với quy mô 1.130 giường, 44 khoa, phòng, trong đó 10 phòng chức năng, 27 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng và BVĐK tỉnh cơ sở 2 và 3 đơn vị lâm sàng cũng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe, điều trị an toàn cho người bệnh, xứng tầm với BVĐK hạng I của tỉnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật cho bệnh nhân.

Nhờ thực hiện tốt Đề án bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật mới trong chẩn đoán điều trị, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ nên BVĐK tỉnh đã thực hiện thành thạo nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến. Mặt khác, bệnh viện chủ động đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại như: MRI, C-Arm, CT 64 lát cắt, hệ thống tán sỏi nội soi laser, hệ thống mổ nội soi qua vi phẫu; đặt stent động mạch vành, điều trị ung thư gan bằng kỹ thuật TACE, kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết... Nhờ đó, bệnh viện đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng đe dọa tính mạng mà trước đây thường tử vong hoặc chuyển lên tuyến trên.

Ông Ngô Nguyệt, người nhà bệnh nhân Lê Thị Hoa, 65 tuổi ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đến BVKĐ tỉnh điều trị cho biết, bà Hoa có nhiều bệnh mãn tính như: Tiểu đường, suy thận, nông tim mạch năm 2023. Bà vừa phát bệnh nên gia đình chuyển đi nhập viện tại Khoa Tim mạch can thiệp. Nhờ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, sử dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại, tận tâm điều trị nên sức khỏe bà Hoa đã dần ổn định, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Còn bác sĩ CKI. Phạm Diệp Hưng chuyên về tim mạch chia sẻ, từ năm 2016, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật y khoa hiện đại, đến nay Khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã tiếp nhận thành công kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành; kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn; kỹ thuật chụp và can thiệp mạch máu ngoại biên. Nhờ đó, hằng năm bệnh viện đã chụp và can thiệp hơn 300 trường hợp mắc các bệnh lý hẹp động mạch vành, trong đó cấp cứu kịp thời hơn 20% bệnh nhận bị nhồi máu cơ tim, giúp giảm chi phí đáng kể cho bệnh nhân và hạn chế việc chuyển viện lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh còn triển khai nhiều dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu; dịch vụ nha khoa theo yêu cầu; phòng khám chuyên sâu, phòng khám chuyên gia theo yêu cầu... nên nhiều bệnh nhân tin tưởng, an tâm đến khám, chữa bệnh tại BVĐK tỉnh.

Bác sĩ CKII. Lê Huy Thạch, Giám đốc bệnh viên, chia sẻ thêm: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ năng lực chuyên môn cao; đẩy nhanh chuyển giao kỹ thuật thông qua đào tạo, giao ban, hội chẩn từ xa, hỗ trợ điều trị từ xa; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử, các phần mềm quản lý khác theo hướng toàn diện, khoa học; đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi công nghệ, cải thiện dịch vụ y tế... Qua đó, nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh, bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.