Tin tổng hợp

* Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 30/4/2024, dư nợ ủy thác qua 4 Hội đoàn thể (Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên) là 3.696,2 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, tăng 2.468,2 tỷ đồng so với năm 2014, với 81.885 hộ vay vốn thuộc 1.638 tổ TK&VV. Để giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thuận tiện khi vay vốn, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm, các Hội đoàn thể đã phối hợp với UBND cấp xã, các thôn, khu phố thành lập các Tổ TK&VV tại thôn, khu phố hoạt động theo quy chế của Hội đồng quản trị NHCSXH và được NHCSXH ủy nhiệm một số công việc trong quy trình cho vay, đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời nắm bắt thông tin về các chính sách tín dụng, được tham gia vào Tổ TK&VV, được hướng dẫn, bình xét, giúp đỡ lập hồ sơ vay vốn, hướng dẫn việc sử dụng vốn…đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong Tổ, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ. Đồng thời Tổ TK&VV thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm để tích lũy trả dần nợ gốc, trả lãi hàng tháng và thu, nộp cho ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác vốn vay đã chủ động tư vấn, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

* Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với ngườn vốn của Trung ương; UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên TV&VV. Đồng thời, UBND tỉnh các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đến hết ngày 30/4/2024 đạt 3.711,5 tỷ đồng, tăng 2.477,3 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn ủy thác đạt 130,3 tỷ đồng, tăng 110,5 tỷ đồng kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Nhờ các nguồn huy động, qua 10 năm thực hiện, tín dụng chính sách đã giúp 470.419 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 73.000 hộ vượt ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 53.600 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm; 43.600 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, góp phần giải quyết an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.