Nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tháng 5 có chỉ số giá tăng

Theo đánh giá của Cục Thống kê, trong tháng 5/2024, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Nguyên nhân là nhờ trong tháng 5, người lao động được nghỉ dài ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5, nên nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, trong tháng 5 tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng; khai trương thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, ảo thuật, thư pháp, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, văn hóa ẩm thực, không gian sinh hoạt cộng đồng…

 

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Đêm Phan Rang. Ảnh: Văn Nỷ

Nhu cầu du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ lễ đã góp phần làm tăng doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng, cụ thể: Doanh thu hoạt động lưu trú tăng 29,84%; nhà hàng tăng 20,32% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 7,7% và tăng 26,5%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 292,8 tỷ đồng, tăng 2,0% và tăng 15,4%, góp phần làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 3.673,1 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đã tác động đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 17.592,4 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt cao nhất với 13.474,9 tỷ đồng, chiếm 76,6% tổng mức và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 15,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,3%; may mặc tăng 13,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,2%; phương tiện đi lại giảm 4,9%. Tiếp đến, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.638,3 tỷ đồng, chiếm 15,0% tổng mức và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,0 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 18,1%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.472,2 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 13,9%.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với cùng kỳ tháng trước CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,17%; so với cùng kỳ năm trước tăng 4,5% (mức tăng trưởng cao nhất 10 năm qua, từ năm 2015-2024). Nguyên nhân làm CPI tháng 5 tăng so với tháng trước chủ yếu do giá mặt hàng thịt heo tăng trở lại sau thời gian dài giảm; giá các loại rau tăng do sản lượng cung thấp; giá mặt hàng sữa, nước chấm các loại tăng do nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng; giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của hộ gia đình tăng.

Trong mức tăng 0,17% của chỉ số CPI tháng 5/2024 so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, cụ thể: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 0,59%, chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng cao 3,18% mùa nắng nóng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%, chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,99%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%, chủ yếu là nhóm đồ inox và các chất xà phòng tẩy rửa do nhu cầu sử dụng tăng. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%, chủ yếu do giá vàng trong nước và vàng thế giới biến động tăng, tác động làm một số mặt hàng trang sức bằng vàng tăng so với tháng trước.

Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có 5 nhóm, gồm: Nhóm đồ uống và thuốc lá. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Nhóm bưu chính viễn thông. Nhóm giáo dục có chỉ số giá không tăng, không giảm. Có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm, trong đó: Nhóm giao thông giảm cao nhất với 1,55%, chủ yếu do giá nhiên liệu và giá vé dịch vụ giao thông công cộng giảm (trong đó, giá vé máy bay giảm 1,74%); Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2023.