Tin tổng hợp

* Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển được đẩy mạnh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, trong 3 năm đã bố trí 4.399 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, phòng chống thiên tai, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cho các khu dân cư ven biển.

Nhiều du khách tham quan, tận hưởng không khí biển trong lành tại Hang Rái (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng toàn diện theo Nghị quyết 04-NQ/TU được tập trung triển khai đạt một số kết quả tích cực, các dự án du lịch trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 57 dự án du lịch đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 51.690,2 tỷ đồng, trong đó 24 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.974,5 tỷ đồng, chiếm 42,1%; một số dự án du lịch có chất lượng cao được hoàn thành đưa vào hoạt động hiệu quả góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận, như: golf Nara Bình Tiên, Khu du lịch Hoàn Mỹ, Khu khách sạn Long Thuận mới gồm 304 phòng, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao...; hình thành một số sản phẩm du lịch có chất lượng cao, độc đáo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện, chất lượng phục vụ nâng lên. Hoạt động du lịch có bước phát triển vượt bậc, phục hồi nhanh, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận. Lượng du khách đến tỉnh tăng nhanh, đến cuối năm 2023 đã thu hút được 2,9 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với năm 2020, đạt 82,9% mục tiêu đến (mục tiêu 3,5 triệu lượt khách); doanh thu du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2020, đạt 79,3% mục tiêu.

* Chủ trương phát triển công nghiệp ven biển theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường đạt kết quả tích cực. Trọng tâm là tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến. Công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng thực chất, chủ động hơn trong việc tiếp cận, mời gọi, làm việc với các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, uy tín để kêu gọi đầu tư vào tỉnh, như: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sun Group, Đại Dũng; Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc; Trung tâm hợp tác Châu Âu, Tập đoàn BR Group - Cộng Hòa Séc; và làm việc với các Đại sứ Quán, Tổng Lãnh sự quán và các tổ chức, doanh nghiệp của các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Ý, Na Uy ...

Doanh nghiệp Hàn Quốc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Để kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp biển quy mô lớn lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, công nghiệp hóa chất, sản phẩm sau muối, luyện nhôm, Tổ hợp dự án sản xuất Hydro xanh,...tạo động lực cho phát triển kinh tế biển của tỉnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy các Khu Công nghiệp ven biển, trong đó khu công nghiệp Cà Ná có quy mô 827,2 ha, hiện đã hoàn tất thủ tục hồ sơ và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 với diện tích 378 ha. Công tác xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp được tập trung thực hiện, tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 41 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.018 tỷ đồng.