Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào Raglai có cơ hội phát triển kinh tế, tháng 10/2023, ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái có 32 hộ dân được hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi Cừu sinh sản theo chuỗi giá trị. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 15 con cừu sinh sản. Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đã mang lại khá hiệu quả. Là hộ nghèo ở địa phương, chị Chamaléa Thị Ngọc ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính phấn khởi cho biết: Gia đình mình rất vui vì được hỗ trợ cừu để nuôi, cũng nhờ cán bộ nông nghiệp địa phương chỉ dẫn cách chăm sóc nên đến nay đàn cừu đã sinh sản thêm 10 con. Gia đình cố gắng chăm sóc để cừu nhanh lớn, phát triển thêm đàn, bán kiếm tiền lo cho con ăn học.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Ninh Phước thăm mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Tiến Mạnh
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương đa dạng hóa mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống. Mô hình cải tạo măng tây xanh tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước được xem là một trong những mô hình sinh kế thực hiện hiệu quả đang được người dân trồng măng tây xanh ở địa phương nhân rộng. Thực hiện mô hình này, 24 hộ dân được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để đầu tư giống, phân bón, ống nước tưới tiết kiệm nhằm cải tạo vườn, nâng cao giá trị cây măng tây xanh. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả cao, các hộ tham gia mô hình đã thoát nghèo, kinh tế gia đình phát triển. Ông Từ Văn Hay, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết: Mô hình này được thực hiện cho các thành viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo của của HTX đến nay đã mang lại hiệu quả cao. Sau khi được hỗ trợ vốn, bà con đã có điều kiện để đầu tư áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhờ đó mà năng suất cây măng tây xanh đạt cao, mang lại hiệu quả kinh tế giúp bà con thoát nghèo. HTX chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình này để giúp các thành viên có hoàn cảnh khó khăn khác trong HTX áp dụng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ canh tác cây măng tây xanh truyền thống của địa phương.
Qua một năm triển khai mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023 - 2025, đến nay, toàn tỉnh có 62/65 xã phường thị trấn xây dựng được 71 mô hình sinh kế với tổng kinh phí hơn 47,6 tỷ đồng. Trong đó, nhiều mô hình bước đầu thực hiện có hiệu quả như: Nuôi cừu sinh sản, trồng nha đam, măng tây xanh, nuôi bò vỗ béo, trồng mì cao sản… Các mô hình được triển khai đa dạng cùng sự hỗ trợ của Mặt trận và chính quyền các cấp đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng từ người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng phối hợp với các tổ chức tôn giáo và Mặt trận các cấp mở rộng đối tượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Sau 1 năm triển khai, mô hình “Phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo” của các tổ chức tôn giáo đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Chương trình hỗ trợ bò giống, hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo của Hội Thánh Tin lành, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo, Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh…
Bà Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế” đã và đang nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đây không chỉ là điểm tựa để người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo mà việc triển khai các mô hình sinh kế còn giúp nhiều hộ thoát nghèo trong cả tư duy, nhận thức khi đã mạnh dạn vươn lên mục tiêu cao hơn. Để các mô hình sinh kế tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ dân về mục đích, ý nghĩa của mô hình, phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ để tăng thu nhập. Tiếp tục tổ chức sản xuất mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; nhân rộng những mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra theo Kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phát