Rác thải nhựa: Những nỗ lực của châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/5 thông báo đang điều tra Italy (I-ta-li-a) vì cho rằng nước này không thực hiện các hướng dẫn nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Italy là một trong những nước đầu tiên ủng hộ các nỗ lực của châu Âu nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do đồ nhựa sử dụng một lần, song trong những năm gần đây quốc gia này phản đối việc mở rộng các quy định liên quan.

Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) điều tra và phát hiện rằng các quy định của Italy về sản phẩm nhựa sử dụng một lần không tuân thủ các quy định của EU.

Sau đó, Italy chính thức "chuyển đổi" các quy định của EU về sản phẩm nhựa dùng một lần thành luật. Tuy nhiên, vấn đề này một lần nữa gây chú ý vào năm ngoái, khi Italy và Phần Lan cảnh báo sẽ nới lỏng các quy định của EU về bao bì nhựa dùng một lần.

Một nghiên cứu quốc tế mới đây cho thấy hơn 50% ô nhiễm nhựa từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu liên quan 56 công ty sản xuất.

Nghiên cứu được đăng trên trang chủ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), theo đó 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan khoa học quốc gia của Australia (Ô-xtrây-li-a) và CSIRO, đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.

Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle của Thụy Sỹ và công ty thực phẩm Danone của Pháp đều chiếm 3%. Trong khi đó, 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.

Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra rằng lượng ô nhiễm nhựa có thương hiệu và không thương hiệu ngoài môi trường ở mức gần tương đương nhau.

Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Kathy Willis của tổ chức CSIRO nhấn mạnh, những phát hiện trên cung cấp hiểu biết mới về những sản phẩm nhựa thải ra môi trường và nêu bật tầm quan trọng của các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề sản phẩm nhựa dùng một lần.

Trong số các giải pháp có các thiết kế sản phẩm an toàn và bền vững giúp cắt giảm nhu cầu toàn cầu về sản phẩm mới và tăng khả năng tái sử dụng, sửa chữa, cũng như tái chế.

Nhà nghiên cứu Willis cũng kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế cải thiện việc xây dựng thương hiệu bao bì để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình về ô nhiễm nhựa.

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) gần đây công bố một nghiên cứu cho thấy hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.

Luật về rác thải bao bì được EC công bố hồi năm 2022 trong nỗ lực kiềm chế lượng rác thải bao bì đã gia tăng tới 20% trong một thập kỷ qua tại EU. Đây là hệ lụy từ hoạt động mua sắm trực tuyến và thói quen mua hàng "gói và mang đi".

Theo các chuyên gia, ô nhiễm nhựa đã là một vấn đề toàn cầu và nếu không hành động, yếu tố này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn một cách đáng kể. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gần gấp ba lần, từ khoảng 9–14 triệu tấn/năm vào năm 2016 lên mức dự kiến khoảng 23–37 triệu tấn/năm vào năm 2040.