(NTO) Những năm gần đây hoạt động khai thác thủy sản ở tỉnh ta phát triển rất nhanh, các chủ tàu đã có khuynh hướng tự liên kết nhau hình thành các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển mang tính gia đình, theo dòng họ. Do hiệu quả đem lại khá cao và tương đối ổn định so với mô hình hoạt động đơn lẻ nên hình thức tổ, đội ở nhóm nghề lưới rê, pha xúc được duy trì tương đối tốt.
Đội tàu thuyền Tổ đoàn kết khai thác hải sản xa bờ của huyện Ninh Hải. Ảnh: Văn Thanh
Theo kỹ sư Đặng Văn Tín, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, từ những năm 80 của thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) khai thác thủy sản, nhưng duy trì được đến ngày nay chỉ có HTX nghề lưới đăng ở Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); đang hoạt động rất hiệu quả về kinh tế, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho trên 60 xã viên và lao động biển ở địa phương. Nhận thức được lợi ích từ các mô hình tổ, đội liên kết, hợp tác sản xuất trên biển, cuối tháng 6-2007 phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm) bắt đầu thành lập 3 tổ khai thác cộng đồng với 27 ngư dân tham gia; kế tiếp tháng 10-2009, xã Phước Diêm (Thuận Nam) thành lập 2 tổ đoàn kết khai thác thủy sản với 9 ngư dân tham gia; gần đây nhất, ngày 7-7 năm nay xã Phước Diêm tiếp tục thành lập thêm 20 tổ đoàn kết khai thác thủy sản với 87 ngư dân tham gia. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1 HTX (nghề lưới đăng Vĩnh Hy) và 25 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển.
Đội tàu thuyền Tổ đoàn kết xã Cà Nà, huyện Thuận Nam.
Mục đích của việc liên kết, là điều kiện để ngư dân trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, giúp cung cấp kịp thời thông tin, nhanh chóng tìm ra ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất (nhất là khi giá nhiên liệu liên tục tăng), giảm thất thoát sau khai thác, tự làm dịch vụ hậu cần và chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời việc liên kết còn giúp bảo vệ, hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi có sự cố xảy ra trên biển, đặc biệt là trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên trong thực tế, đa số tổ, đội sản xuất trên biển ở tỉnh ta vẫn chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho họat động khai thác hải sản, nhiều ngư dân còn hạn chế về vốn để phát triển sản xuất. Các tổ, đội cũng chưa liên kết với nhau ký kết các hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh nậu, vựa ép giá. Giữa các tổ, đội khai thác hầu như chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ quản lý thuyền viên, thiếu sự gắn bó lâu dài giữa chủ tàu và thuyền viên nên thường xuyên dẫn đến tình trạng biến động thuyền viên trên tàu. Đáng chú ý là chính khó khăn về vốn đầu tư nên tổ, đội khai thác không có điều kiện cải hoán tàu thuyền, đầu tư nghề mới, mua sắm trang thiết bị cũng như mạnh dạn ra khơi tìm kiếm ngư trường mới. Một số tổ, đội thành lập nhưng họat động chưa đúng theo quy ước, cam kết chung.
Để khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân thấy được những lợi ích của tổ chức khai thác theo tổ, đội. Trong đó bao gồm việc tổ chức tập huấn cho các thuyền trưởng, các tổ, đội về pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến khai thác hải sản; về kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; sơ cứu người bị tai nạn, ốm đau; các kỹ năng tự vệ khi có cướp biển, nước ngoài tấn công…Đặc biệt chọn lựa các mô hình tiên tiến, hiệu quả nhân rộng ra toàn tỉnh để học tập, tiến tới liên kết hình thành các nghiệp đoàn khai thác hải sản, công ty cổ phần, công ty TNHH có qui mô đủ điều kiện khai thác xa bờ.
Có thể nói việc phát triển các mô hình tổ, đội hợp tác khai thác trên biển là rất quan trọng và có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay trên biển Đông. Vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố, hỗ trợ và phát triển các tổ, đội sản xuất giúp ngư dân tỉnh ta phát triển các hình thức hợp tác, tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Ngoài các chính sách chung từ Trung ương, thiết nghĩ tỉnh cần nghiên cứu có những chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy nghề khai thác hải sản xa bờ của địa phương phát triển, có bước đi mới tiến kịp trình độ chung của cả nước.
Bạch Thương