Trước đây, hầu hết bà con Raglai hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang sống rải rác bên những sườn núi Vườn quốc gia Núi Chúa. Năm 2000, sau khi có chủ trương dồn dân lập thôn, bà con chính thức có được cuộc sống ổn định nhờ sự hỗ trợ về nhà ở, điện, nước của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên với đặc trưng địa lý của hai thôn nằm tại vùng lõi vườn Quốc gia nên diện tích sản xuất chỉ có 14,1 ha, trong khi đó bà con sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để “giải bài toán” trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Cùng với đó, đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp như: Tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế, nhân rộng mô hình chăn nuôi kết hợp bảo vệ rừng, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ nhà ở…qua đó giúp bà con có được cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều bà con Raglai tại thôn Cầu Gãy thoát nghèo nhờ phát triển mô hình nuôi dê nái sinh sản.
Điển hình có hộ chị Mấu Thị Phi, thôn Cầu Gãy, nhờ sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể mà chị đã thoát nghèo vào cuối năm 2023. Trước đây, gia đình chị thuộc diện rất khó khăn, không có nhà ở, hai vợ chồng chủ yếu làm thuê nên thu nhập khá bấp bênh. Nhận thấy trường hợp trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã hỗ trợ chị xây nhà Đại đoàn kết vào năm 2022; tiếp đó, chị được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ tín chấp Ngân hàng chính sách xã hội huyện vay 40 triệu đồng để mua 7 con dê về chăn nuôi. Với tinh thần nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình chị có đàn dê 30 con, bán được 5 đợt, mỗi đợt được 5 triệu. Chị chia sẻ: Mình cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của địa phương. Không chỉ giúp vốn, nhà ở, cán bộ địa phương còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, tư vấn cách phát triển kinh tế, nhờ vậy mình có động lực, tự tin hơn để làm ăn. Bây giờ, gia đình đã thoát khỏi cảnh loay hoay trong thiếu thốn, có của ăn của để hơn để chăm lo con cái học hành.
Đồng chí Phạm Thị Mỹ Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Thời gian qua, địa phương đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Raglai tại hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, nhất là công tác giảm nghèo. Trong đó, nhiều dự án và tiểu dự án của các chương trình đã giải quyết tốt các vấn đề về hỗ trợ kiến thức, đa dạng hóa sinh kế, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, hai thôn đã có 42 hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi dê nái sinh sản phù hợp với tập quán chăn nuôi, lợi thế tự nhiên của địa phương; đào tạo nghề cho 67 lao động nông thôn…
Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, địa phương triển khai tốt công tác chăm lo sức khỏe, giáo dục, xóa mù chữ, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay không chỉ đời sống bà con được nâng lên đáng kể mà diện mạo nông thôn đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Hiện nay, toàn thôn Đá Hang có 92 hộ thì chỉ còn 28 hộ nghèo; thôn Cầu Gãy có 96 hộ chỉ còn 28 hộ nghèo.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nghèo nâng cao nhận thức rõ vai trò của mình, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện chương trình giảm nghèo. Cán bộ, hội, đoàn thể tăng cường hướng về cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo có những phương thức mới trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phát huy tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.
Lê Thi