Linh hoạt sản xuất vụ hè - thu ứng phó với nắng hạn

Sản xuất vụ hè - thu 2024 dự báo gặp khó do thời tiết nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới. Để sản xuất có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp sản xuất linh hoạt ứng phó với nắng hạn, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tổ chưc thực hiện.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, đến giữa tháng 4 tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn 195,97 triệu m3, chiếm 47,26% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 111,79 triệu m3/165 triệu m3, lưu lượng nước vào hồ là 2,99 m³/s và đang xả nước với lưu lượng là 14,37 m³/s. Một số hồ chứa nước có nguy cơ cạn kiệt như: Phước Nhơn, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Ông Kinh, Tà Ranh, Bầu Zôn... Với tình hình thời tiết nắng và gió nhiều nên lượng nước hao hụt rất nhanh, nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới là rất lớn. Trên cơ sở nguồn nước được bổ sung tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và căn cứ lưu lượng xả nước từ nhà máy thủy điện Đa Nhim và hồ Đơn Dương đến thời điểm hiện tại cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm. Nguồn nước còn lại sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè - thu với 2 phương án cụ thể như sau:

Phương án 1: Trong điều kiện tháng 5 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung, hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, Bầu Zôn, Ông Kinh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý, với tổng diện tích là 23.886,02ha; trong đó, lúa 13.460,5ha, màu 10.000ha, thủy sản 425,52ha.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc mía. Ảnh: P.N

Cụ thể, hệ thống Sông Pha - Bình Phú - 19/5 - Đồng F - Nha Trinh - Lâm Cấm dự kiến sản xuất 16.174,02ha; trong đó, lúa 10.311,96ha, màu 4344,29ha, cây lâu năm 1.096,52ha, thủy sản: 421,25ha, tăng 524,81ha so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Nguyên nhân tăng là do bổ sung diện tích sản xuất ở hệ thống các đập dâng Bình Phú, 19/5 và Đồng F trên Sông Ông trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Đối với hệ thống các trạm bơm trên sông dự kiến sản xuất theo kế hoạch UBND tỉnh giao là 185,37ha; trong đó, lúa 22ha, màu 133,27ha, cây lâu năm 30,1ha. Đối với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ dự kiến sản xuất 1.359,13ha; trong đó, lúa 70ha, màu 957,46ha, cây lâu năm 331,67ha, tăng 388,41ha so với kế hoạch UBND tỉnh giao là do diện tích đang được người dân mở rộng. Riêng các hồ chứa nước chỉ có 7 hồ còn nước đảm bảo sản xuất; nguồn nước ở hồ Phước Trung, Ma Trai, Ba Chi, Phước Nhơn, CK7 để phục vụ cho nước sinh hoạt, nước uống vật nuôi và nước cấp cho cây lâu năm; dừng sản xuất toàn bộ diện tích ở 3 hồ chứa nguồn nước không đảm bảo, gồm: Tà Ranh, Bầu Zôn, Ông Kinh. So với cùng kỳ năm 2023, diện tích dừng sản xuất trong vụ hè - thu là 7.589,5ha; trong đó, lúa 2.692ha, màu 4.897,5ha.

Phương án 2: Trường hợp trong tháng 5 trên địa bàn tỉnh có mưa, bổ sung sản xuất ở 11 hồ chứa (Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn, Bà Râu, Phước Trung, Lanh Ra, Ông Kinh), diện tích sản xuất là 7.274,14ha; trong đó, cây lúa 3.497,12ha, cây màu 2.702,59ha; cây lâu năm 1.070,16ha, thủy sản 4,27ha, tăng 677,78ha so với kế hoạch UBND tỉnh giao; dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt trên 50% dung tích thiết kế sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích là 29.265ha; trong đó, lúa 14.467,5ha, màu 14.797,5ha.

Cụ thể, diện tích trong hệ thống là 22.179,2ha; trong dó, lúa 13.966ha, màu 8.213,2ha. Trong đó, kế hoạch sản xuất tại các hệ thống thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, đối với diện tích cây hằng năm là 22.179,2ha (lúa 13.965,98ha; màu: 8.213,08ha), cây lâu năm 2.622,59ha, thủy sản 425,52ha, tăng 1.420,67ha so với kế hoạch UBND tỉnh giao là do bổ sung cấp nước cho diện tích một số khu tưới sản xuất của các đập dâng Bình Phú, 19/5, Bình F; diện tích được khai thác mở rộng tại khu tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; diện tích hồ Thành Sơn được tiếp nước bổ sung từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; diện tích sản xuất lúa của hồ Bà Râu; diện tích sản xuất lúa của các hồ Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Tà Ranh, Bầu Zôn; diện tích sản xuất màu của hồ Ông Kinh. So với cùng kỳ năm 2023, diện tích dừng sản xuất là 1.785ha; trong đó, lúa 822,5ha, màu 962,5ha.

Để chủ động triển khai phương án sản xuất vụ hè - thu, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện gieo trồng đúng khung lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ hè - thu. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời, hướng dẫn nông dân áp dụng kịp thời các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong chuyển đổi cây trồng nhằm đạt chỉ tiêu được giao trong năm. Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nông sản; kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản và thủy sản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, lượng mưa trong thời gian tới, đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2024 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm. Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với lịch sản xuất, cụ thể đến từng khu vực, xứ đồng, tránh lãng phí nguồn nước. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

Giao UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân biết, tiếp cận; chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ bà con nông dân trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng theo lịch thời vụ. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ hè - thu theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức rà soát, có giải pháp phù hợp duy trì hoạt động các tổ PIM để tổ chức quản lý, điều tiết nước tại từng cánh đồng, vùng sản xuất, tránh tình trạng các vùng sản xuất đầu nguồn thì lãng phí nguồn nước, dẫn đến nước không đủ phục vụ các vùng sản xuất cuối nguồn.