Trong những năm 1973-1974 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động. Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, mặc dù đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy mô lớn bằng các kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” và những cuộc hành quân “bình định” lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.
Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy.
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu
Sau hai năm 1973-1974 và nhất là từ chiến thắng giải phóng Phước Long (6/1/1975), cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử: “Cả năm 1975 là thời cơ... nếu thời cơ đến vào đầu năm hay cuối năm thì lập tức giải phóng miền Nam Việt Nam trong năm 1975” và quyết định tổng tấn công, nổi dậy giải phóng miền Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - mùa xuân năm 1975.
Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ Tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long - cách thị xã Phan Rang 30km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm: Sư đoàn không quân số 6 cùng 2 trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.
Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh ủy Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.
Sau khi tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 1 đến ngày 3/4/1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, quân ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh ủy Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của hai huyện Bác Ái và Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.
Đường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Chiều ngày 7/4/1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và nhân dân Xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt hai ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6 tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh ủy Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - ngụy, giải phóng tỉnh nhà.
Sáng ngày 14/4/1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16/4/1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An - Tháp Chàm. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, giải phóng tỉnh Ninh Thuận, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
TS