Bao vây cứ điểm bằng trận địa chiến hào
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, các đại đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vừa tích cực chiến đấu, vừa chủ động xây dựng, củng cố trận địa tiến công bao vây và phát triển vào gần địch hơn nữa.
“Căn cứ vào nhiệm vụ được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao, các đại đoàn khắc phục mọi khó khăn, bắt tay vào công việc và trước hết là việc xây dựng trận địa. Đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Ta càng đào sát cứ điểm càng uy hiếp sự sống còn của chúng, nên chúng cố sống, cố chết cản phá ta. Chúng cho pháo bắn đạn nổ trên không, dùng máy bay ném bom, bắn phá, cho quân sục ra lấp hào. Nhưng ban ngày địch lấp, ban đêm ta moi lên, đào tiếp. Các chiến sĩ đã nghĩ ra nhiều cách đào. Thoạt đầu rải quân đào trườn trên mặt đất có "hồ lô" rơm che đỡ phía trước. Sau ta chuyển sang đào dũi, đào một hố rồi moi dần lên phía trước. Cuối cùng ta vận dụng cách đào ngầm từng quãng rồi đánh sập xuống, trên hào có nắp rơm che mảnh đạn.
Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm. Ảnh tư liệu
Nhờ có cuộc đấu tranh bền bỉ và những sáng tạo đó, các hầm hào ngày càng tiến gần cứ điểm địch. Ngày 10/4/1954, Trung đoàn 57 đào cắt ngang sân bay Hồng Cúm. Ngày 15/4/1954, trận địa của Trung đoàn 165 tiến sát cứ điểm 105, có nơi cách hàng rào 15 mét”.1)
“Từ trung tuần tháng 4, các mặt hoạt động của bộ đội ta, thực hiện chủ trương của Đảng ủy mặt trận, đã làm cho bộ mặt tập đoàn cứ điểm thay đổi hẳn.
Quân ta khẩn trương xây dựng trận địa ngày càng tiến sát gần địch, có nơi chỉ cách hàng rào cứ điểm chừng 10 mét. Các điểm cao phía Đông ta chiếm được, nhất là đồi D1, đã trở thành cứ điểm phòng ngự mạnh để đánh địch phản kích và cũng là trận địa xuất phát tiến công của ta. Hỏa lực súng cối, sơn pháo của ta trên các điểm cao này luôn uy hiếp quân địch ngày đêm.
Quanh khu vực sân bay Mường Thanh, bộ đội ta vận dụng kinh nghiệm tiêu diệt vị trí 106 nửa tháng trước, dùng hình thức đánh lấn của đơn vị nhỏ, liên tiếp tiêu diệt các vị trí ở phía Bắc và phía Tây sân bay Mường Thanh, sau đó từ nhiều hướng phát triển trận địa vào cắt ngang sân bay, đánh lui nhiều trận phản kích của địch... Tất cả những trận đánh lấn đã diễn ra quá nhanh khiến địch hoàn toàn bất ngờ”. (2)
“Theo kế hoạch, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 đã được triển khai chung quanh phía Bắc sân bay Mường Thanh.
Cứ điểm 206 bảo vệ phía Tây sân bay Mường Thanh đã bị chiến hào của Trung đoàn 36 cắt rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía Bắc sân bay Mường Thanh cũng bị chiến hào của Trung đoàn 165 bao vây. Hai mũi chiến hào của các Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đang nhanh chóng đâm thẳng vào giữa sân bay”. (3)
Trước đó, “từ cuối tháng 3/1954, đường băng sân bay Mường Thanh của địch đã bị bộ đội ta khống chế, không còn đón được máy bay hạ cánh nữa, nhưng vẫn có tác dụng làm bãi hứng dù tiếp tế nên địch hết sức chú ý tăng cường phòng thủ. Sân bay Mường Thanh được bao bọc bởi 5 lớp rào dây thép gai xen lẫn các bãi mìn và hàng trăm ụ súng”. (4)
Ngày 15/4/1954, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 tiến hành bao vây cứ điểm 206, bảo vệ phía Tây sân bay Mường Thanh của địch bằng trận địa chiến hào. Sau khi các cứ điểm H6, H7 bị tiêu diệt, cứ điểm 206 trở thành vị trí đột xuất ở phía Bắc trung tâm Mường Thanh.
“Đêm ngày 15/4/1954, chiến hào của Trung đoàn 88 ở phía Tây và chiến hào của Trung đoàn 141 ở phía Đông đều vượt qua năm lần rào tiến vào sân bay.
Trận đánh quan trọng tiêu diệt trung tâm đề kháng bảo vệ sân bay Mường Thanh của địch đã bắt đầu không có hỏa pháo chuẩn bị và cũng không có dấu hiệu nào báo trước”. (5)
“Khi Trung đoàn 36 áp sát cứ điểm 206 cũng là lúc đài phát thanh quân viễn chinh Pháp báo động: "Đến lượt Huyghét bị bao vây". Địch huy động máy bay từ Hà Nội lên cùng pháo binh ở cả Mường Thanh và Hồng Cúm đánh xuống quanh sân bay, đồng thời dùng xe tăng và bộ binh phản kích liên tục, nhưng vô hiệu”. (6)
"Kế hoạch Diều hâu” nhằm cứu nguy cho Điện Biên Phủ
“Sau hai đợt tiến công của quân ta, quân Pháp đã thấy nguy cơ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể bị bộ đội ta tiêu diệt. Đứng trước nguy cơ đó, chẳng những chính phủ Pháp bối rối mà Mỹ cũng rất lo ngại. Đi đôi với việc cung ứng cho Pháp những khoản viện trợ to lớn, Lầu Năm Góc đã đề ra "Kế hoạch Diều hâu” mang tên Vautour, dự kiến sẽ sử dụng 80-90 máy bay B-29 (loại máy bay chiến lược lớn nhất của Mỹ lúc bấy giờ) từ căn cứ Clack Field được 150 máy bay chiến đấu của Hạm đội 7 hộ tống, đến ném bom “nghiền nát” các đơn vị quân đội Việt Minh đang bao vây Điện Biên Phủ.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, đầu tháng 4/1954, hai tuần dương hạm Bốcxơ và Philíppinxi thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã tiến vào Vịnh Bắc Bộ.
Theo gợi ý của Mỹ, chính phủ Pháp còn thăng quân hàm cấp Tướng cho De Castries và thăng cấp cho một số sĩ quan khác ở Điện Biên Phủ, với hy vọng họ sẽ kiên quyết hơn nữa trong cuộc chiến đấu bảo vệ tập đoàn cứ điểm đang bị nguy khốn này”. (7)
Trong khi đó, “Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault tiếp tục vận động Anh đồng tình để Mỹ dùng không quân ném bom hòng giải toả cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Từ trung tuần tháng 4, nhiều tướng lĩnh Mỹ liên tiếp đến Sài Gòn, Hà Nội và bay cả trên bầu trời Tây Bắc, để cùng Bộ chỉ huy Pháp nghiên cứu thực hiện "Kế hoạch Diều hâu"”. (8)
“Ngày 15/4/1954, tại Hà Nội, Tướng Cogny tiếp Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương, Tướng Partridge, đến để nghiên cứu lại “Kế hoạch Diều Hâu". Kế hoạch đó giờ được dự kiến như sau: 90 máy bay oanh tạc hạng nặng B-29 sẽ xuất phát từ căn cứ Mani (Philíppin) đến đánh Điện Biên Phủ”. (9)
“Nhưng rồi cục diện chiến tranh Đông Dương và riêng thế trận trên chiến trường Điện Biên Phủ đã chuyển biến nhanh chóng, ngày càng không lợi cho chúng. Mặt khác bối cảnh chính trị thế giới đã bó tay, Pháp - Mỹ, Anh và nhiều lãnh đạo trong quốc hội Hoa Kỳ không tin rằng không quân Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương có thể cứu nguy cho quân viễn chinh Pháp...
Tổng thống Mỹ buộc phải ra lệnh hủy bỏ "Kế hoạch Diều hâu". (10)
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ
“Sau đợt 2, tin chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, từ tin sân bay địch hoàn toàn bị tê liệt, chiếc máy bay thứ 50 bị hạ trên bầu trời Mường Thanh, tin về kết quả đánh lấn, bắn tỉa, làm cho sinh lực địch tiếp tục bị tiêu hao, phạm vi chiếm đóng của chúng trong tập đoàn cứ điểm ngày càng bị thu hẹp,... đã trở thành nguồn cổ vũ rất lớn đối với quân và dân trên các chiến trường phối hợp”. (11)
“Ở phía hữu ngạn Sông Hồng, Đại đoàn 320, Trung đoàn 46 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích Hà - Nam - Ninh đã liên tục tiến công phần còn lại của tuyến phòng thủ Sông Đáy... Để tránh bị tiêu diệt bọn địch buộc phải co cụm lại và liên tục cầu cứu viện binh.
Thị xã Phủ Lý thường xuyên bị đột kích và pháo kích buộc địch phải đưa Binh đoàn cơ động số 4 ra phòng ngự trực tiếp bảo vệ vòng ngoài cho Phủ Lý. Trong tháng 4 binh đoàn cơ động này và hệ thống chiếm đóng Pháp ở Hà Nam đã liên tiếp bị thêm nhiều đòn đau.
Ngày 15/4/1954, Sở Chỉ huy Binh đoàn cơ động số 4 và trận địa pháo địch trong thị xã Phủ Lý bị ta tập kích gây nhiều thiệt hại,... Binh đoàn cơ động số 4 bị đánh quỵ phải về phía sau củng cố, binh đoàn cơ động số 8 mới được thành lập được đưa ra thay thế lập tức bị đòn đau. Trong cuộc giao chiến với Trung đoàn 64 và du kích An Cừ, An Tổ, chúng đã bị đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, hơn 300 tên địch bị diệt và bắt sống tại trận.
Cùng thời gian này, tại Sơn Tây, Hà Đông, Trung đoàn 254 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích 2 tỉnh đã liên tiếp tiêu diệt các vị trí Quảng Bị, Hạ Hồi, Đại Định, Từ Châu, Lưu Xá, mở rộng vùng căn cứ và đã liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa, tiêu biểu là trận Hạ Bằng đã diệt và bắt sống hơn 400 tên địch. Tại vùng tạm bị chiếm Nam Định, Trung đoàn 52 và các lực lượng của tỉnh đã thay nhau liên tục bao vây, uy hiếp quân địch co cụm ở Đông Biên và phục kích tiêu diệt các lực lượng tới tiếp viện. Tại Ninh Bình, bộ đội địa phương tỉnh đã tập kích tiêu diệt các vị trí Đức Hậu, Tự Tân, Nam Biên, Cảnh Tân, Duyên Mây... và phục kích địch trên đường số 10, số 59 diệt nhiều tên địch.
Đi đôi với các đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị và công tác binh vận cũng đã phát triển với khí thế cao chưa từng có. Tại các vùng tạm bị địch chiếm, nhân dân đã nhất tề nổi dậy phá bỏ hầu hết các trại tập trung để trở về quê cũ làm ăn. Những âm mưu và chương trình dồn dân trở lại các trại tập trung để dễ bề kiểm soát đều bị nhân dân ta đấu tranh phá vỡ bằng nhiều hình thức. Điển hình là cuộc chống địch đồn dân vào tại tập trung Quý Kim để lập vành đai trắng xung quanh thị xã Kiến An. Cuộc đấu tranh này đã diễn ra trong nhiều ngày, thu hút hàng vạn dân ở thị xã Kiến An, Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Quyên... và giành được thắng lợi to lớn”. (12)
Theo TTXVN
----------------
(1); (2) (6); (8) (10) (11) Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 360, 361; 85; 92;
(3); (5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1053;
(4); (7); (12) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 109; 103, 104; 99, 100
(9) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 304.