Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho Đợt 2
Ngày 8/4/1954, "căn cứ vào tình hình địch và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm: “Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho Đợt 2, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, chiếm thêm một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công và bao vây vào gần địch hơn nữa, thắt chặt thêm vòng vây, đánh chiếm sân bay, đạt đến mục đích triệt hẳn tiếp tế và tăng viện của địch, uy hiếp chúng mạnh hơn nữa".
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ còn lại của Đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ thị các đơn vị nắm chắc và tiến hành những công tác sau đây:
- Tăng cường xây dựng trận địa tiến công và bao vây, thực sự coi đó là một quá trình chiến đấu quyết liệt với địch. Trận địa ta càng vào gần, vòng vây càng khép chặt, địch sẽ càng ngoan cố đối phó. Chúng sẽ phản kích nhiều lần bằng bộ binh có cả xe tăng, pháo binh và không quân chi viện để chiếm lại những khu vực đã mất. Vì vậy, ta phải có trận địa tốt để bao vây và trụ bám đánh địch phản kích, phải bố trí lực lượng thích hợp, có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa binh lực và hỏa lực; tổ chức đánh tiêu diệt xe tăng; đánh đến đâu giữ chắc đến đó.
Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Khống chế không phận Điện Biên Phủ bằng mọi thứ hỏa lực cả ngày đêm, tổ chức tranh đoạt dù tiếp tế, thực hiện triệt tiếp tế và tiếp viện đường không, làm mất chỗ dựa chủ yếu còn lại của địch, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn.
- Tổ chức những bộ phận nhỏ, những tổ bắn tỉa, những đội hỏa lực cơ động đến gần địch, thực hiện tiêu hao rộng rãi, làm cho địch mất dần sức chiến đấu, hoang mang cao độ.
Chiếm bằng được một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công vào gần, thắt chặt dần vòng vây. Những trận đánh gần khu trung tâm không chỉ đơn thuần là đánh điểm mà đều là những trận đánh điểm đánh địch phản kích, một hình thức đánh điểm diệt viện hoặc đánh điểm chặn viện." (1)
"Ngày 8/4/1954, sau khi được nghe phổ biến chủ trương tác chiến mới, có cán bộ nói: "Cấp trên đã bốc đúng thuốc". Mọi người đều nhận thấy những nhiệm vụ Bộ Chỉ huy chiến dịch trao cho các đơn vị lần này, sẽ không có điều gì mà bộ đội không làm được." (2)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho quân y, dân công, cấp dưỡng phục vụ thương binh, thanh niên xung phong
Cùng "ngày 8/4/1954, để động viên kịp thời các lực lượng tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, gửi thư cho anh chị em cán bộ, nhân viên quân y, dân công, hộ lý, cấp dưỡng phục vụ thương binh, anh chị em thanh niên xung phong". (3)
Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên anh chị em cán bộ, nhân viên quân y, dân công, hộ lý, cấp dưỡng phục vụ thương binh, anh chị em thanh niên xung phong nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy và giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với sự hy sinh dũng cảm của anh em bộ đội ở tiền tuyến.
Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ quân y phải căng mình làm việc liên tục không kể ngày đêm trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc men. Thấu hiểu điều đó, trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên: Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử quy mô to lớn hơn các chiến dịch trước. Do đó, công tác thương binh cũng đòi hỏi một sự cố gắng mới về tổ chức cũng như về tinh thần phục vụ... Từ nay đến lúc tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Các đồng chí cần tiếp tục nâng cao tinh thần dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cứu chữa anh em thương binh cho chu đáo...
Trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, 6 đội điều trị trực thuộc Cục Quân y và 4 đội điều trị của các đại đoàn đã căng mình hết sức phục vụ cứu, chữa thương binh kịp thời. Suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y đã tiếp nhận số thương bệnh binh lên tới 1,5 vạn người. Trong giai đoạn cam go ấy, các chiến sĩ quân y đã tranh thủ từng giây, dốc hết sức mình để chăm sóc, cứu chữa các thương binh nhẹ, nhanh chóng đưa 30% số thương binh về lại chiến trường sau 5-7 ngày, kịp thời bổ sung lực lượng chiến đấu tinh nhuệ cho chiến dịch. Sau khi chiến thắng, bộ đội ta rút hết khỏi Điện Biên, lực lượng quân y còn phải tiếp tục làm nhiệm vụ cùng lực lượng vận tải, dân công vận chuyển hơn 6.000 thương binh về hậu phương.
Theo TTXVN
-----------
(1) Điện Biên Phủ: Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 208, 209
(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1041
(3) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 159