Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cá nhân bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và các cơ quan tổ chức khác có liên quan trong việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án dân sự.
Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thi hành dựa trên nguyên tắc kết hợp quản lý, điều trị chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người bị bắt buộc chữa bệnh. Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt buộc chữa bệnh và ngăn ngừa họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Kinh phí đảm bảo cho thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Ngân hàng Nhà nước cấp. Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức cá nhân để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra và giai đoạn thi hành án và trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Nghị định nêu rõ, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh bằng cách đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần; chế độ quản lý, điều trị đối với người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc xét duyệt, tuyển chọn, đào tạo cán bộ nhân viên bảo vệ cho các cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần.
Các cơ sở tổ chức bắt buộc chữa bệnh tâm thần bao gồm Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư, BV tâm thần T.Ư 1 (Thường Tín, Hà Nội) tiếp nhận các đối tượng ở các tỉnh thành khu vực phía Bắc; BV tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận khu vực miền Trung, Tây Nguyên; Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và BV tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp nhận khu vực phía Nam.
Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15.9.2011.
Theo Báo Lao Động