Phương án phát triển khu kinh tế
Dự kiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh (với quy mô dự kiến khoảng 43.900ha) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, nằm trên địa bàn các huyện Thuận Nam và Ninh Phước (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết số 15-NQ-TU ngày 11/1/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 và Thông báo số 171/TB-VPCP ngày 8/6/2022 của Văn phòng Chính phủ). Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh là động lực tăng trưởng mới của tỉnh với các dự án động lực, có quy mô lớn như: Cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành lập khu kinh tế ven biển khi đủ điều kiện theo quy định và đảm bảo về chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia được phân bổ để khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển nhằm huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình
Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; ưu tiên thu hút vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp (KCN) đã thành lập. Phát triển theo chiều sâu các KCN có tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN. Tiếp tục phát triển 3 KCN hiện có và 1 KCN thành lập mới với tổng diện tích 1.682ha.
Phương án phát triển cụm công nghiệp
Thành lập mới 11 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích là 515,28ha khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định về CCN. Phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 19 CCN với tổng diện tích là 770,04ha.
Phương án phát triển khu du lịch
Tập trung phát triển các khu vực có ưu thế về du lịch (DL) biển (vịnh, bãi tắm), hồ, cồn cát và khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm DL mới lạ, độc đáo, khác biệt, trong đó chú trọng phát triển các khu vực sau:
- Khu DL quốc gia Ninh Chữ: Thuộc khu vực dải không gian ven biển tỉnh Ninh Thuận, thuộc địa giới hành chính của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam; phát triển trọng tâm là các hoạt động kinh tế DL khai thác các giá trị kinh tế biển, các giá trị sinh thái cảnh quan đa dạng, có tính đặc thù cao góp phần tạo dựng môi trường biển độc đáo, tạo dựng thương hiệu riêng thông qua việc khai thác các điểm nhấn khác biệt so với các tỉnh khác: Biển đẹp, vẫn giữ vẻ đẹp tự nhiên, vùng gió, nắng và cát cho các hoạt động thể thao biển đặc thù, vùng nước trồi và các sinh vật đặc thù; phát triển trở thành một trong các vùng DL trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.
- Khu DL cấp tỉnh, gồm các khu: Khu DL hồ Tân Giang, hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt với các loại hình DL độc đáo, đa dạng, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và bản sắc của từng khu vực. Phát triển đồng thời các khu DL cộng đồng, DL văn hóa, di sản, DL sinh thái rừng.
Phương án phát triển các khu thể dục, thể thao
Đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể dục thể thao (TDTT), khu luyện tập TDTT tại các huyện, thành phố phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan và quy định của pháp luật. Xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh, gồm: Trung tâm TDTT và nhà thi đấu tỉnh, nâng cấp sân vận động tỉnh và các hạng mục phụ trợ khác. Tiếp tục triển khai các khu DL nghỉ dưỡng, thương mại, vui chơi, giải trí, thể thao, khu đô thị sinh thái cao cấp, sân golf đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại các huyện và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Thu hút đầu tư phát triển các khu dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, sân golf mới tại các huyện và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm khi tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Phương án phát triển đối với khu vực quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2
Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. UBND tỉnh Ninh Thuận quy hoạch để khai thác, sử dụng đất dự trữ chiến lược này hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích của người dân, không quy hoạch, không phát triển các dự án đầu tư có thời hạn dài, các khu dân cư, khu đô thị mới; khuyến khích thu hút các dự án có thời hạn sử dụng đất ngắn 20-30 năm. Quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch địa điểm xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân: Giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công trình giáo dục, phúc lợi xã hội... đảm bảo đồng bộ, kết nối, liên thông với các khu vực xung quanh.
Phương án phát triển các khu bảo tồn, khu vực cần bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Tiếp tục bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (Ninh Hải), VQG Phước Bình (Bác Ái) và Khu dự trữ thiên nhiên Đầm Nại (Ninh Hải); đèo Ngoạn Mục (Ninh Sơn) gắn với phát triển DL, nghiên cứu khoa học và tham quan phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp với bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, các điểm dịch vụ trên toàn bộ vùng di tích. Phát triển bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học, phát triển DL sinh thái bền vững trên địa bàn vùng đệm của VQG Phước Bình và VQG Núi Chúa.
Phương án xác định khu quân sự, an ninh
Các khu quân sự, an ninh đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất do Thủ tướng Chính phủ phân bổ. Việc bố trí xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn được thực hiện theo các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: Bố trí các công trình hạ tầng phòng cháy chữa cháy tại trung tâm các huyện, thành phố, các KCN, CCN và địa bàn trọng điểm có nguy cơ về cháy nổ, đảm bảo thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc và đáp ứng các quy định hiện hành.
Phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn
Các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền. Đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn, kết nối liên thông mạng lưới giao thông nông thôn với các trục đường tỉnh, quốc lộ; xây dựng mới, kiên cố hóa công trình thủy lợi; đầu tư, thu hút các nguồn vốn xây dựng, mở rộng hệ thống cấp nước sạch; đầu tư cải tạo, nâng cao độ tin cậy hệ thống điện. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khác dành cho đối tượng thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích sản xuất, phổ biến tri thức kinh doanh, kỹ thuật, hình thành chuỗi liên kết phát triển kinh tế bền vững với các vùng động lực của tỉnh, các thị trường ngoài tỉnh. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi tín dụng dành cho các đối tượng thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng lưới y tế, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng giáo dục các cấp; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội: Bảo hiểm, y tế, giáo dục và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho các đối tượng thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị bản sắc dân tộc.
TS