Trước đó, tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (ngày 16/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, cũng đã cho biết, cả nước đang thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, trong đó có động lực về đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân và đầu tư toàn xã hội. Nhấn mạnh ĐTC có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho ĐTC, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân ĐTC, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ...
Trong khi đó, theo Công văn số 2060/BTC-ĐT của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 1, ước thực hiện 2 tháng KH năm 2024, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/1/2024 là 31.524,5 tỷ đồng/tổng KH là 689.775,9 tỷ đồng, đạt 4,57% KH. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/2/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng KH, đạt 9,13% KH Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt tổng 6,55% KH và đạt 6,97% KH Thủ tướng Chính phủ giao).
Nhận xét về tình hình giải ngân KH vốn, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 2 tháng KH năm 2024 đạt 8,7% tổng KH. Nếu so với KH Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (6,55% tổng KH và 6,97% KH Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (34,92%), Bộ Xây dựng (32%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (27,83%), Hậu Giang (30,15%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%).
Có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 6 địa phương tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 5%.
Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, đến hết ngày 31/1/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt 6,63% KH năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 4.230,67 tỷ đồng, đạt 6,82%; vốn ngân sách địa phương là 232,54 đạt 4,35%.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương rà soát các dự án đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân KH ĐTC sang năm 2024 theo quy định tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 6/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ĐTC.
Theo Báo điện tử ĐCSVN