Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản,Viện khoa học vật liệu quốc gia (NIMS) ở thành phố Chư-cư-ba (Tsukuba), tỉnh I-ba-ra-ki của Nhật Bản đã công bố thành công trong việc phát triển loại vật liệu mới có khả năng khử chất phóng xạ Iodine và Strontium trong nước nhiễm xạ với hiệu quả cao. Viện này sẽ hợp tác với Cơ quan nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân Nhật Bản để gấp rút đưa vật liệu mới này vào ứng dụng trong xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma (Fukushima 1). Vật liệu mới này ở dạng hợp chất Đi-ô-xit Si-líc (SiO2), có thể hút chất phóng xạ Iodine và Strontium. Theo NIMS, 1 gram vật liệu mới có thể hút 20 miligram Iodine hoặc 13 miligram Strontium. Nếu qui đổi ra nồng độ Strontium 90 trong lò phản ứng hạt nhân thì tương đương với 65 tỷ Becquerel. Các chất khử phóng xạ hiện có thường hút cả những chất muối giống Iodine hoặc các chất Ma-giê (Magnesium) và Canxi giống Strontium, nên hiệu quả khử phóng xạ trong nước biển rất thấp. Vật liệu khử phóng xạ mới sẽ khắc phục được tình trạng này, ngoài ra có thể sử dụng nhiều lần trong khử chất phóng xạ Iodine. Một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cho biết mỗi ngày có thể sản xuất vài tấn vật liệu mới. Chi phí sản xuất trong phòng thí nghiệm vào khoảng 60-70 yên/1 gram, là khoản chi phí thấp, nhưng hiệu quả khử phóng xạ lại rất cao.
(Theo TTXVN)