Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 27-7, tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde), đã nhấn mạnh khả năng IMF tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài chính mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đây là một định hướng hoạt động mới cần được IMF thảo luận sớm.
Bà La-gác-đơ cho rằng mặc dù với nguồn lực tài chính hiện có, đủ để đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng IMF có thể đối phó tốt hơn với khủng hoảng nếu có nhiều nguồn tài chính dồi dào hơn. IMF đã nhiều lần tăng nguồn lực tài chính kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây, IMF đã tăng gấp đôi các nguồn quỹ đặc biệt để hỗ trợ tài chính tích cực cho các nước thành viên có nguy cơ vỡ nợ. Năm 2011, IMF đã dự kiến tăng nguồn tài chính cơ sở của Quỹ lên 1 ngàn tỷ USD theo hệ thống cải tổ hạn ngạch, trong đó có nguồn tài chính được các nước thành viên đóng góp để IMF cho vay.
Các nhà phân tích kinh tế thế giới cho rằng tăng nguồn tài chính nằm trong kế hoạch của IMF tăng vai trò của Quỹ và đơn vị tiền tệ của Quỹ là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, định hướng mới được bà La-gác-đơ nhấn mạnh cho thấy việc tăng nguồn tài chính của IMF không chỉ cần thiết để đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện hành và trong tương lai mà còn vượt quá nhu cầu tăng cường vai trò của IMF trong nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế thế giới hoài nghi IMF có thể tìm đủ nguồn tài chính hậu thuẫn cho các nền kinh tế lớn trong khu vực đồng ơrô đang cần tài trợ để cứu nạn nếu tính đến nhu cầu tài trợ cao kỷ lục của các nền kinh tế này. Tăng nguồn tài chính hơn nữa cho IMF còn có thể gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ vì nền kinh tế này đang cần giảm chi tiêu và tăng nguồn thu để đáp ứng các nghĩa vụ của một con nợ quốc tế.