Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Hệ thống đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030
Khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có 12 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; 4 đô thị loại IV trong đó có 2 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 2 đô thị mới gồm Phước Nam, Cà Ná (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn 2021-2025); 7 đô thị loại V, trong đó có 1 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 6 đô thị mới gồm Lợi Hải; Phước Đại; Thanh Hải (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn 2021-2025) và Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.
Khu đô thị Đông Bắc (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: P.N
Phát triển 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang- Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch (được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Ninh Chữ). Định hướng phát triển và tổ chức không gian các khu đô thị du lịch và các khu chức năng phù hợp với định hướng phát triển của các đô thị ven biển.
Định hướng phát triển tỉnh lỵ
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm phát triển gắn với các không gian mở rộng là các khu vực dự kiến phát triển đô thị, gồm 4 không gian động lực, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thành phố trở thành đô thị du lịch vùng Nam Trung Bộ với các tính chất như sau:
- Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, thể dục thể thao của tỉnh Ninh Thuận, là đô thị trung tâm của tỉnh phát triển theo định hướng phát triển bền vững, xanh và thông minh.
- Là thành phố du lịch thứ 5 của tiểu vùng du lịch phía Nam của vùng Nam Trung Bộ (4 đô thị du lịch hiện hữu gồm Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết), là đô thị quan trọng trong tam giác phát triển du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Tháp Chàm, là một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn, khác biệt của miền Trung, trong nước và thế giới.
- Là đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây
Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam Bộ.
Phương án sắp xếp đơn vị hành chính các đô thị
Căn cứ các tiêu chuẩn theo quy định, giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh ta không có đơn vị hành chính đô thị nào thuộc diện phải sắp xếp.
Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn
Hệ thống nông thôn tỉnh Ninh Thuận phát triển gắn với chương trình nông thôn mới của tỉnh, phù hợp với các định hướng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại, quá trình đô thị hóa của tỉnh và các đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển nông thôn đảm bảo tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vật chất cho người dân, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyển đổi mô hình sản xuất và có tính lâu dài bền vững, không phát triển tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng thường xảy ra lũ quét. Hình thái, mô hình phân bố khu dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận phù hợp với các điều kiện tự nhiên, địa hình, khu vực ven sông, ven biển, kết nối với các tuyến giao thông, các vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các đô thị theo 3 vùng:
- Vùng đồng bằng: Phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị kinh tế, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp dịch vụ du lịch, công nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ...
- Vùng ven biển: Phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch, du lịch trải nghiệm, phát triển nghề cá, trung tâm dịch vụ nghề cá, các vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ xuất khẩu với quy mô lớn, đặc biệt là nuôi tôm sú.
- Vùng trung du, miền núi: Phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với các hoạt động lâm nghiệp, các nghề trồng, chăm sóc, bảo vệ sinh thái rừng, trồng cây công nghiệp như: điều, cây ăn quả, dược liệu, trồng cỏ, ngô... phục vụ chăn nuôi. Phát triển làng nghề, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, du lịch cộng đồng, có hiệu quả kinh tế, bền vững, phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống.
TS