Theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển (KTB), với khu kinh tế ven biển hiện đại, KTB đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Du khách tham quan vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Văn MIên
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 1319/QĐ-TTg, tỉnh đang tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo các nghị quyết của trung ương, Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17/1/2022 của Tỉnh ủy về phát triển KTB đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với Quyết định số 1319/QĐ-TTg về phát triển KTB, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững KTB, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển KTB, trọng tâm là quy hoạch tổng thể không gian biển tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Tập trung triển khai kêu gọi đầu tự phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,...) ở khu vực biển. Đối với du lịch (DL), khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên DL hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng DL khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu DL quốc gia Ninh Chữ. Phát triển tập trung vào các khu vực dọc theo dải ven biển làm động lực với các lợi thế, tiềm năng hiện có như vịnh, bãi tắm. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối để khai thác lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển và trung tâm logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh.
Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) là điểm đến
du lịch yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: H.Nguyệt
Đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, bao gồm không gian huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước; đây là vùng phát triển công nghiệp, cảng biển, năng lượng, thương mại dịch vụ và DL; trong đó đô thị Phước Nam là trung tâm vùng; các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm Cà Ná (công nghiệp, cảng biển); Sơn Hải (DL, dịch vụ). Bám dọc theo tuyến đường ven biển (Tỉnh lộ 701, 702) từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ, phát triển DL là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm DL khác biệt gắn với 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và các khu đô thị DL, khu chức năng ven biển được cụ thể hóa trong quy hoạch Khu DL quốc gia Ninh Chữ. Phát triển 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - DL (được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch chung Khu DL quốc gia Ninh Chữ).
Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo...
Xuân Bính