Sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Để nâng giá trị trái nho NH01-152, các hộ trồng nho của HTX đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, gắn với du lịch trải nghiệm để thu hút du khách, quảng bá sản phẩm, giúp tăng giá trị sản phẩm nho tươi. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An cho biết: Nho NH01-152 hiện nay rất được du khách ưa chuộng, đặc biệt sau khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm nho NH01-152 ngày càng có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống nho NH01-152 lên khoảng 20ha. Ngoài sản phẩm nho NH01-152, HTX cũng có 7 sản phẩm khác đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao như: Nho sấy, táo sấy, mứt rau câu... Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thiết bị máy móc trong chế biến để ngày càng nâng cao giá trị các sản phẩm này; đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm đem lại thu nhập ổn định cho xã viên, thu hút du khách đến với làng nho Thái An ngày càng đông hơn.
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu của Hợp tác xã Dịch vụ
tổng hợp nông nghiệp Thái An (Ninh Hải). Ảnh: Hồng Nguyệt
Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt là DN chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nha đam. Đến nay, công ty có 7 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó: 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 5 sản phẩm 4 sao. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, các sản phẩm này đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư dây chuyền và công nghệ sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế, nhất là hệ thống máy rửa tự động, các băng chuyền sản xuất trong công nghệ nấu, đóng gói sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là một trong những tiêu chí hàng đầu của công ty trong thời gian tới. Ngoài việc tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây nha đam theo hướng nông nghiệp sạch, nghiên cứu tạo ra các giống mới, năng suất cao nhằm đảm bảo nguồn nhiên liệu sản xuất. Tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm nha đam có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, qua đó, tạo việc làm ổn định cho người lao động của công ty cũng như thu nhập cho bà con nông dân trồng nha đam trong tỉnh, góp phần nâng giá trị sản phẩm nha đam Ninh Thuận.
Để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh ta đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm; xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm gắn với các hoạt động du lịch; liên kết đưa các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử... Trong số 182 sản phẩm được chứng nhận OCOP, có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đều được đánh giá, phân hạng qua từng năm giúp các địa phương có cơ sở để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết; góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai hướng dẫn duy trì chất lượng, nâng hạng sao sản phẩm OCOP; tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; phối hợp với địa phương thực hiện việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả về Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai các dự án quản lý phát triển các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh ta phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP, trong đó có thêm 2-5 sản phẩm 4 sao; 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 15 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; hỗ trợ các DN, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án VietGAP đối với các sản phẩm OCOP và đặc thù nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường...
Vĩnh Phát