Văn bản nêu rõ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã bước sang mùa nắng nóng, gió mạnh, hanh khô, kết hợp với nhu cầu sử dụng điện, sử dụng các nguyên vật liệu, chất, hàng dễ cháy, nổ để sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt ngày càng tăng cao, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Tình hình cháy do người dân bất cẩn trong sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: đốt vàng mã, đốt rác, đốt cỏ khô,…) tại các khu dân cư vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, đồng thời sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả, kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tin/bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) và cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, nhà chung cư, khu dân cư. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành các kỹ năng về PCCC&CNCH phù hợp để người dân tham gia.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy).
c) Tiến hành rà soát, xây dựng phương án xử lý các tình huống cháy, nổ lớn, phức tạp; tổ chức diễn tập, thực tập để ứng phó kịp thời khi có vụ việc xảy ra. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng PCCC rừng và thực tập các phương án chữa cháy rừng.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận
a) Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường thời lượng phát sóng các tin/bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH và cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, nhà chung cư, PCCC rừng mùa hanh khô.
b) Chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh gửi các tin nhắn SMS đến các thuê bao di động để khuyến cáo các nguy cơ dễ xảy ra cháy, nổ, các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng xử lý sự cố cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
3. Sở Công Thương
a) Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng có đặc tính nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư để chủ động phòng ngừa cháy, nổ xảy ra. Kiên quyết xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị Điện lực tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về PCCC từ hệ thống, thiết bị điện trong khu dân cư; hướng dẫn người dân các kiến thức, biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp PCCC rừng đảm bảo kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm, các chủ rừng, các tổ chức, cá nhân được giao rừng, cho thuê rừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc công tác PCCC rừng trên phạm vi quản lý, diện tích rừng được giao. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và khẩn trương thực hiện các biện pháp PCCC rừng, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
c) Chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương (nhất là hệ thống loa phát thanh cấp xã) thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và PCCC rừng.
d) Chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án PCCC rừng có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.
đ) Chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước từ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc sản xuất, sinh hoạt và PCCC rừng.
5. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
a) Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy, CNCH cho toàn khu, cụm và của từng cơ sở; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công tác PCCC như: Hệ thống giao thông, nguồn nước chữa cháy, thông tin liên lạc; thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực sẵn sàng tham gia chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả.
b) Tăng cường công tác thường trực của lực lượng PCCC tại chỗ, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
6. Công ty Điện lực Ninh Thuận
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng điện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định về an toàn trong sử dụng điện.
b) Tiếp tục rà soát, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của mạng lưới điện hạ áp tại khu dân cư; kịp thời thay thế các tuyến đường dây đã xuống cấp; các trạm biến áp không bảo đảm công suất phụ tải; khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Đồng thời tiến hành kiểm tra ngay đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao như: Khu dân cư tại các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Đạo Long, Kinh Dinh,…; các khu dân cư tại xã Cà Ná, xã Phước Dinh,…
7. Các Sở, ban, ngành cùng với các Hội, đoàn thể liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác PCCC&CNCH, trọng tâm là: Kế hoạch số 1009/KH-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh (về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư); Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 01/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh (về tăng cường công tác PCCC&CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh); Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 28/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH); Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh (về việc triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023, Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023, Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh về PCCC&CNCH năm 2024.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường rà soát, nắm chắc địa bàn, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo phân cấp và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn về PCCC, hướng dẫn công tác tự tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH của người đứng đầu, trong đó tập trung một số nội dung sau: Việc thực hiện và duy trì các yêu cầu về ngăn cháy, thoát nạn, hệ thống, thiết bị PCCC, hệ thống điện và các hệ thống kỹ thuật có liên quan; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ sở,...
b) Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH thông qua hệ thống truyền thanh địa phương. Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân PCCC, trong đó chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình về PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, khu dân cư an toàn về PCCC, tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, 100% hộ gia đình có ít nhất 01 người được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH, đặc biệt là việc rà soát, vận động 100% nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 02 tầng và các căn hộ chung cư mở lối thoát nạn thứ 2, lối thoát khẩn cấp. Tổ chức tuyên truyền đến các khu dân cư, hộ gia đình kiến thức sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, nhất là việc sử dụng nguồn lửa trong quá trình đốt vàng mã, thắp nhang thờ cúng và đốt rác tại các khu dân cư,…
c) Đối với công tác PCCC&CNCH tại các khu dân cư (nhất là các khu dân cư có nguy cơ cao về cháy nổ, điển hình như: Các Khu dân cư tại các phường Đông Hải, Mỹ Đông, Đạo Long, Kinh Dinh,…; các khu dân cư tại xã Cà Ná, xã Phước Dinh,….): Tổ chức rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH như: Giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, các giải pháp ngăn cháy lan,… để tổ chức khắc phục, trong đó khẩn trương tổ chức thực hiện ngay các nội dung trọng tâm sau:
- Bảo đảm về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và CNCH: (1) Tổ chức rà soát, phá dỡ, di dời các chướng ngại vật trái phép gây cản trở hoạt động của xe chữa cháy. (2) Khảo sát các nguồn nước tự nhiên trên địa bàn (ao, hồ, sông, suối, kênh,…) để đầu tư, bố trí, xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước cho xe chữa cháy theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/BXD-BCA ngày 14/4/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an. (3) Lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy tại các tuyến đường trung tâm bảo đảm đủ số lượng và khoảng cách theo Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD sửa đổi 1:2023 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. (4) Đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, khu dân cư có các hẻm nhỏ, xe chữa cháy không vào được dài trên 200 mét cần tổ chức khảo sát để xây dựng các bể nước chữa cháy hoặc lắp đặt các trụ nước chữa cháy, đồng thời trang bị máy bơm chữa cháy di động, lăng, vòi, ba chạc,… để xử lý ngay từ ban đầu các sự cố cháy, nổ mới phát sinh;
- Tổ chức củng cố và huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng; trang bị đầy đủ trang phục, phương tiện cho lực lượng này theo quy định tại Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh (quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và số lượng phương tiện PCCC&CNCH trang bị cho Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận);
- Tiếp tục rà soát nhân rộng và duy trì hoạt động của mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; “Tổ liên gia an toàn PCCC”; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC cho 100% hộ gia đình trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu dân cư có nguy cơ cao về cháy, nổ; vận động 100% hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy; 100% hộ gia đình có ít nhất 01 người được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH;
- Tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với 100% các khu dân cư có nguy cơ cao về cháy, nổ.
d) Chỉ đạo triển khai phương án PCCC rừng năm 2024, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các xã/phường/thị trấn và đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện phương án PCCC rừng, đặc biệt là vùng trọng điểm để có biện pháp PCCC kịp thời.
đ) Rà soát các địa bàn khu dân cư thiếu nước sinh hoạt để kịp thời có phương án hỗ trợ, phục vụ cho Nhân dân trong mùa nắng nóng, khô hạn.
9. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nội dung trên; tham mưu, tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện các chỉ đạo về công tác PCCC của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
10. Công các báo cáo: Các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 30/6/2024. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động báo cáo về Công an tỉnh để phối hợp giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng quy định./.
NT