Xác định việc phát triển, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào DTTS, đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị tại xã Phước Chính, huyện Bác Ái cho 32 hộ dân người Raglai với số tiền gần 2 tỷ đồng. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 15 con cừu sinh sản. Chị Chamaléa Thị Lá ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính phấn khởi cho biết: Sau một năm nuôi, đàn cừu đã sinh sản được 10 con gia đình cố gắng chăm sóc để cừu nhanh lớn, bán kiếm tiền lo cho con ăn học.
Huyện miền núi Bác Ái là địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Trong đó, nhiều gia đình do PN làm chủ hộ, để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, các cấp hội PN địa phương đã ủy thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mở rộng sản xuất, chuyển đồi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập. Trong năm 2023, thông qua 43 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 2.000 hộ PN trên địa bàn huyện được vay với số tiền gần 25 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp HV, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn huyện có vốn làm ăn, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Chị Chamaléa Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bác Ái cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khai thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để mở rộng đối tượng vay; đồng thời, giám sát nguồn vốn sao cho đảm bảo hiệu quả, giúp đời sống gia đình HV ngày càng phát triển. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia, đặc biệt Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và trẻ em”; tổ chức dạy nghề cho PN và giúp chị em sau học nghề có được công ăn việc làm ổn định, nâng cao mức sống gia đình.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều phụ nữ vùng dân tộc thiểu số
huyện Thuận Bắc có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.Lâm
Song song với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, các cấp hội PN tạo điều kiện cho HVPN vùng đồng bào DTTS tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn... Nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, trồng trọt các loại cây có giá trị kinh tế cao như măng tây, nha đam; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, nâng cao thu nhập.
Thực hiện Chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) có 32 hộ dân được hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây nha đam với quy mô liên kết canh tác ban đầu là 4ha. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất; áp dụng quy trình kỹ thuật trồng chuyên canh cây nha đam thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Chị Lượng Thị Diễm Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Sơn cho biết: Trước đây nhiều diện tích đất trên địa bàn xã bà con thường bỏ hoang, bây giờ có mô hình trồng nha đam không chỉ giải quyết được việc làm cho bà con địa phương, nhất là với HVPN chưa có việc làm ổn định. Hiện nay, Hội đang phối hợp với một công ty chuyên sản xuất nha đam hỗ trợ chị em không có đất sản xuất trồng nha đam trong chậu. Qua vận động, đến nay có 9 hộ tham gia trồng hơn 700 chậu nha đam. Khi mô hình thực hiện thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng để chị em khác tham gia.
Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, từ năm 2022 đến nay đã giúp 280 hộ PN thoát nghèo. Nhiều HVPN còn vươn lên làm giàu, trở thành những điển hình PN làm kinh tế giỏi, tiêu biểu của tỉnh; trong đó có 30% là PN vùng đồng bào DTTS. Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 19, ngày 25/01/2022 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho HVPN vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tăng cường liên kết với các Ngân hàng để hỗ trợ PN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế; hỗ trợ PN sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh việc hỗ trợ PN DTTS, miền núi khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp do PN làm chủ. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại để PN vùng DTTS và miền núi quảng bá sản phẩm bản địa, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, nâng cao giá trị kinh tế.
Vĩnh Phát