Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông bằng các hình thức phù hợp về mức độ nguy hiểm và các biện pháp PCBD, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến PCBD động vật trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, giết mổ chó, mèo và các tổ chức, cá nhân có liên quan (đặc biệt khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em). Tổ chức quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 (nhất là trong đợt 1/2024); xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi.
Chỉ đạo đơn vị chuyên môn ngành y tế, thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; tổ chức điều tra xác minh nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định trên địa bàn quản lý.
Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCBD tại các địa phương có nguy cơ cao. Rà soát, tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị trấn, khu đông dân cư. Tổng hợp, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh theo quy định hiện hành...
T.D