Kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Chỉ thị 19), Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tập trung nhiều giải pháp với nhiều chính sách an sinh xã hội (ASXH) để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu mà Chỉ thị 19 của Tỉnh ủy đề ra.

Xác định công tác ASXH và GNBV là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngay sau khi Chỉ thị 19 ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm ban hành Kế hoạch số 95-KH/TU thực hiện Chỉ thị 19. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp từ thành phố đến phường, xã đã vào cuộc tích cực hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Điển hình như, công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo được thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; 100% người thuộc hộ nghèo (HN) được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trên 98% người thuộc hộ cận nghèo (HCN) được mua BHYT. Từ năm 2022 đến nay đã cấp 13.764 thẻ BHYT (trong đó, 4.380 thẻ BHYT cho HN và 9.384 thẻ BHYT cho HCN), với tổng số tiền là 11,615 tỷ đồng. Địa phương cũng đã thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội (CSXH), hằng năm cân đối, ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn hỗ trợ người nghèo; đồng thời gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH để xây dựng mô hình tự chủ thoát nghèo. Trong năm 2022-2023, đã đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh giải quyết cho vay đối với HN, HCN, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác theo các chương trình tín dụng chính sách 7.617 hộ, với tổng số tiền vay 276,903 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề phù hợp là một trong những giải pháp quan trọng để GNBV, tạo điều kiện để lao động nghèo tiếp cận các chính sách ưu đãi đối với người nghèo trong việc học nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Trong 2 năm, đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 9.163 lao động, trong đó giới thiệu đưa lao động làm việc ở nước ngoài năm 2022 là 22/20 lao động, đạt 110% và 2023 là 37/25 lao động, đạt 148%...

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Phan Rang-Tháp Chàm bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ ông
Trần Ngọc Hùng, khu phố 8, phường Đông Hải. Ảnh: M.Dung

Tổng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo trong 2 năm 2022-2023 là 299,841 tỷ đồng; trong đó: Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước là 291,703 tỷ đồng, kinh phí ngoài ngân sách nhà nước là 8,138 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo, ASXH được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định và đã từng bước phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho người nghèo; người nghèo đã tiếp cận tốt hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước về tín dụng chính sách vay vốn sản xuất, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giáo dục, y tế, nước sạch vệ sinh môi trường… Kết quả, đến cuối năm 2023, tỷ lệ HN là 0,97% (523 hộ), HCN là 2,50% (1.639 hộ); 100% hộ thoát nghèo không tái nghèo; 100% hộ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Có 9 hộ có đơn tự nguyện xin thoát HN, HCN của các xã, phường: Phước Mỹ, Văn Hải, Mỹ Hải, Thành Hải.

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Bí thư Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết: Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian đến, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục đẩy mạnh công tác GNBV. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ASXH, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ HN, HCN; nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác giảm nghèo, tiếp tục ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống, sinh kế của người nghèo góp phần thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ HN còn ở mức dưới 0,5% và giảm tỷ lệ HCN ở mức dưới 2%; đồng thời, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm. 100% hộ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phấn đấu 100% hộ thoát nghèo không tái nghèo.