Hội nghị tọa đàm Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Ngày 11/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tọa đàm Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, đánh giá kết quả thực hiện cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức giám sát, phản biện xã hội thời gian qua của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Các ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao công tác giám sát, phản biện xã hội cần tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động Nhân dân tích cực tham gia; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm nội dung giám sát, phản biện xã hội về những vấn đề Đảng và Nhân dân quan tâm; trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát và phản biện xã hội; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong giám sát; giải quyết triệt để các kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; có cơ chế cho công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị tọa đàm.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp, những giải pháp tích cực đã được các đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm. Để công tác giám sát, phản biện xã hội đi vào thực chất và đạt hiệu quả, đồng chí đề nghị thời gian tới Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc nghị quyết, chủ trương của Đảng, cấp ủy và chương trình, kế hoạch của chính quyền địa phương; nắm tình hình Nhân dân, những vấn đề người dân ý kiến, phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để chọn lựa nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Đặc biệt, sau giám sát, các đơn vị cần rà soát, thống kê lại kết quả giải quyết, báo cáo đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đối với những đơn vị chưa thực hiện nội dung kiến nghị. Đồng thời, tranh thủ sự tham gia giám sát, phản biện của các chuyên gia trên các lĩnh vực, thành viên các Ban tư vấn.