Theo đó, không gian hoạt động của tuyến phố đi bộ giai đoạn 1 sẽ tổ chức thí điểm tại đường 16 Tháng 4, đường Hoàng Diệu, đường Trần Quang Diệu (bao gồm khu vực quỹ đất trống 2.000m2 giáp trụ sở Khối liên cơ quan Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; khu vực quỹ đất trống 5.000m2 giáp Công viên 16 Tháng 4; khu vực chợ đêm du lịch); đường đi bộ quanh hồ trong Công viên 16 Tháng 4 và các đoạn kết nối đường 16 Tháng 4, đường Trần Quang Diệu tới hồ; cung đường di sản gốm Bàu Trúc (đoạn góc Tây Bắc của Công viên 16 Tháng 4, vị trí giao đường Trần Quang Diệu với đường Hoàng Diệu); cung đường thể thao giải trí và vui chơi dành cho trẻ em (phía Tây Công viên 16 Tháng 4, sát vỉa hè đường Ngô Gia Tự nối từ vỉa hè đường Trần Quang Diệu tới đường 16 Tháng 4).
Giới hạn không gian tuyến phố trên bản đồ vệ tinh.
Thời gian tổ chức chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn thí điểm sẽ tổ chức từ tháng 4/2024 đến tháng 12/2025 (dự kiến thời gian tổ chức lễ khai trương tuyến phố đi bộ diễn ra vào dịp 16/4/2024 - Ngày giải phóng Ninh Thuận). Thời gian tổ chức các hoạt động trong tuyến phố đi bộ từ 18 giờ đến 23 giờ vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Đồng thời, tăng cường phục vụ vào các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước. Giai đoạn sau thí điểm, UBND tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tuyến phố đi bộ, căn cứ tình hình thực tiễn, nhu cầu của du khách và Nhân dân sẽ có phương án đầu tư các hạn mục cơ sở hạ tầng; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các loại hình dịch vụ; mở rộng quy mô, phạm vi (theo hướng khu vực hồ điều hòa) và thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ.
Nội dung chính của phố đi bộ gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí đường phố; các hoạt động ẩm thực, giải khát; hoạt động dịch vụ, mua sắm và hoạt động thể thao giải trí. Không gian toàn tuyến đi bộ sẽ được phân thành 7 khu vực với các chủ đề chủ đạo như: Bản sắc Ninh Thuận; giao thoa văn hóa; nhịp dẫn tương lai; cung đường di sản; đoàn kết phát triển và không giang tăng cường duy trì hoạt động ban ngày; thể thao quần chúng và vui chơi trẻ em; chợ đêm (hiện trạng đã hoạt động). Trên tuyến phố đi bộ có một số công trình cảnh quan điểm nhấn như: Sân khấu đa năng hiện đại; sân khấu văn hóa nghệ thuật bản sắc địa phương; cung đường Pavillion giao thoa; cung đường di sản gốm Bàu Trúc; cung đường đoàn kết phát triển; giàn nhạc nước phao nổi...
Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án ước tính khoảng 51,477 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư khoảng 26,077 tỷ đồng cho 2 giai đoạn (giai đoạn 1 thí điểm từ năm 2024-2025 là 7,522 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 là 18,555 tỷ đồng). Còn lại là nguồn vốn xã hội hóa 25,4 tỷ đồng.
Việc triển khai tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ sẽ góp phần xây dựng một số sản phẩm mới phục vụ, đáp ứng nhu cầu người dân và du khách về đêm có tính đặc trưng và có sức hấp dẫn cao, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, sôi nổi và thân thiện; đồng thời quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Ninh Thuận, những thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và các tiềm năng, thế mạnh của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đối với du khách trong và ngoài nước; từng bước xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trần Duy